Viễn cảnh Mỹ tác chiến trên Thái Bình Dương

15/04/2012 03:13 GMT+7

Đối với Lầu Năm Góc, học thuyết Tác chiến Không - Biển là hy vọng lớn nhất để Mỹ đối phó chiến lược “chống tiếp cận/phong tỏa khu vực” của Trung Quốc.

Tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thông qua khái niệm Tác chiến Không - Biển (Air-Sea Battle, viết tắt ASB) và Lầu Năm Góc nhanh chóng triển khai, theo tờ The Diplomat. Tướng Norton A.Schwartz, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ và đô đốc Jonathan W.Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, cho biết nỗ lực trên nhằm giúp quân đội nước này tổ chức, huấn luyện và tự trang bị tốt. Nhờ đó, các bộ tư lệnh tác chiến có đủ khả năng duy trì tiếp cận hoạt động tại những khu vực đang bị đối phương thực thi chiến lược “chống tiếp cận/phong tỏa khu vực” (anti-access/are-denial, viết tắt A2/AD). Điều này ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng ở vùng tây Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang xây dựng chiến lược A2/AD nhằm đẩy lực lượng Mỹ khỏi vùng biển trên.

Chiến tranh lạnh phiên bản 2

Suốt 6 thập niên qua, với sức mạnh quân sự vượt trội, Mỹ duy trì trạng thái khá cân bằng địa chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương, nhưng tình hình đang thay đổi. Mười năm qua, Trung Quốc liên tục đẩy mạnh tốc độ hiện đại hóa hải quân nhằm thay thế vị trí của Mỹ trong khu vực, theo The Diplomat. Vì thế, cuối tháng 3 năm nay, Lầu Năm Góc trình bày trước Quốc hội Mỹ về chiến lược ASB như một học thuyết đóng vai trò trung tâm để giành lại thế cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, học thuyết ASB nhằm tăng cường khả năng hợp tác và phối hợp giữa các lực lượng không quân và hải quân hướng đến việc tập trung sức mạnh chọc thủng chiến lược A2/AD của đối phương. Cơ quan phụ trách ASB chịu trách nhiệm định hình sáng kiến để phát triển những khả năng và sự tích hợp cần thiết nhằm đáp ứng mục tiêu trên. Theo tướng Schwartz và đô đốc Greenert, ASB tìm kiếm phương pháp tấn công chuyên sâu có tính mạng lưới và tích hợp để “phá hủy, tiêu diệt và đánh bại” (NIA-D3) địch thủ. Cụ thể hơn, lực lượng hỗn hợp gồm không quân, hải quân và lục quân sẽ được trang bị khả năng liên lạc chặt chẽ nhằm thực hiện những cuộc tấn công đồng bộ trên nhiều vị trí của đối phương. Tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Panetta từng điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng quốc hội phải hết lòng ủng hộ Lầu Năm Góc nếu muốn “bảo vệ nước Mỹ”.

Thực tế, ASB là phiên bản tương tự của chiến lược Tác chiến Không - Bộ (Air-Land Battle) mà Washington từng áp dụng để đối phó Moscow trong Chiến tranh lạnh. Ngược lại, chiến lược A2/AD của Bắc Kinh tương tự điều mà Moscow đã theo đuổi vào giai đoạn trên. Theo đó, thế giằng co tại Thái Bình Dương đang là phiên bản của Chiến tranh lạnh.

Cũng như quá khứ, để triển khai hiệu quả học thuyết ASB, Mỹ cần phát triển thêm nhiều loại vũ khí tối tân phù hợp với tình thế, bên cạnh việc duy trì lực lượng cần thiết trong khu vực. Lầu Năm Góc đang tiến hành hàng loạt dự án như máy bay ném bom tầm xa (ước tính chi phí phát triển là 55 tỉ USD); máy bay không gian không người lái X-37; tàu khu trục tàng hình USS Zumwalt, tàu tấn công đổ bộ cực lớn… Mới đây, thông tin về chiếc USS Zumwalt được tiết lộ trên một số phương tiện truyền thông.


Đồ họa mô phỏng tàu khu trục USS Zumwalt - Ảnh: Chosun.com
 

Tàu khu trục tàng hình 7 tỉ USD

Theo đài Fox News, tàu khu trục lớn nhất lịch sử hải quân Mỹ là USS Zumwalt đang trở thành trung tâm của chiến lược châu Á - Thái Bình Dương mà Tổng thống Barack Obama tuyên bố hồi năm ngoái. Nói về chiếc tàu này, tờ Daily Mail giật tựa hoành tráng rằng: Mỹ chế tạo tàu chiến 7 tỉ USD để duy trì uy thế của hải quân đối với Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Hiện tại, tàu USS Zumwalt đang được hình thành tại xưởng đóng tàu Bath Iron Works ở Maine. Ngoài hình dáng kỳ lạ, chiếc tàu này dài hơn 180m, nặng 14.500 tấn được trang bị khả năng tàng hình hiện đại, có thể “hô biến” thành tàu cá dân sự trên màn hình radar địch. Zumwalt mang theo đến 80 tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa đối hạm, súng pháo 155 mm. Được thiết kế với khả năng tấn công vào bờ bằng tên lửa dẫn đường, Zumwalt đủ sức phối hợp hiệu quả cùng lực lượng lính thủy đánh bộ.

Daily Mail dẫn lời đô đốc Greenert phát biểu trong chuyến thăm xưởng Bath Iron Works hồi tuần trước nói: “Với khả năng tàng hình cùng hệ thống định vị sóng âm, sức tấn công đáng kinh ngạc và cần ít nhân lực vận hành - đây là tương lai của chúng ta”. Ông này còn khẳng định chiếc tàu phù hợp một cách hoàn hảo với sự đổi mới chiến lược mà Tổng thống Obama đề ra cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Chiếc Zumwalt có thể hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tàu sân bay trong trường hợp xảy ra xung đột. Tuy nhiên, do chi phí chế tạo lên đến 7 tỉ USD mỗi chiếc nên Mỹ sẽ chỉ đóng 3 tàu loại này.

Máy bay không gian X-37

Ngoài ra, Mỹ còn theo đuổi một chương trình bí mật khác trong học thuyết ASB là máy bay không gian X-37. Tờ The Washington Times dẫn lời tướng William Hselton, người đứng đầu các hoạt động không gian của không quân Mỹ, tiết lộ thông tin mới nhất về máy bay không người lái X-37: “Nó đang chạy tốt trên quỹ đạo, và chúng tôi chưa quyết định ngày quay lại mặt đất của nó. Chúng tôi rất hài lòng với sự thể hiện của X-37”. Vị tướng này còn tự hào khẳng định loại máy bay trên có khả năng thay đổi hoàn toàn thế trận, cho phép lật ngược thế cờ trong tích tắc. Mặc dù từ chối cung cấp thông tin về ngân sách chế tạo nhưng tướng Hselton cho biết Lầu Năm Góc hiện có 2 chiếc X-37 và chưa có kế hoạch tăng cường thêm. 

Một quan chức quốc phòng Mỹ cũng cho biết X-37 có thể phá hủy các thiết bị cảm biến không gian, vốn đảm trách việc cung cấp dữ liệu mục tiêu cho tên lửa đối hạm của đối phương. Vì thế, dòng máy bay này trở thành khí tài chủ chốt để triệt hạ các phương tiện phong tỏa, chống tiếp cận mà địch thủ triển khai nhằm vào quân đội Mỹ. Thời gian qua, Trung Quốc nhiều lần giới thiệu loại tên lửa đối hạm DF-21D, được xem như sát thủ tàu sân bay. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc chưa hề nêu ra chính xác đối thủ trực tiếp mà cơ quan này nhắm đến khi phát triển X-37. 

Chiến dịch Chimichanga

Ngày 4.4, Mỹ vừa triển khai chiến dịch Chimichanga gần căn cứ Yukon ở Alaska để tập luyện các chiến thuật cần thiết của không quân nếu chạm trán với Trung Quốc tại vùng tây Thái Bình Dương, theo tạp chí Wired. Tất nhiên, Lầu Năm Góc không bao giờ công khai thừa nhận mục đích thực sự của chiến dịch này. Trong chiến dịch, đầu tiên máy bay tàng hình F-22 phá hủy radar về hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương bằng bom SDB.

Sau đó các phi đội F-22 tiếp tục phóng tên lửa Amraam và Sidewinder vào chiến đấu cơ đối phương. Tiếp đến, chiến đấu cơ F-16 ập tới làm nhiệm vụ hỗ trợ cho đồng đội. Khi hệ thống phòng không của đối phương bị vô hiệu hóa, máy bay ném bom B-1 xâm nhập để thả những quả bom nặng gần 1 tấn xuống các mục tiêu bên dưới. Đây cũng là lần đầu tiên không quân Mỹ thử nghiệm phi đội tấn công được cải tiến với F-22, F-16, B-1 cùng các vũ khí mới chế tạo.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.