Đêm 21 rạng sáng 22.4, cùng nhiều nơi trên thế giới, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một hiện tượng thiên văn kỳ thú: mưa sao băng Lyrids.
Ông Nguyễn Đức Phường, Phó tổng thư ký Hội Thiên văn và vũ trụ Việt Nam, cho biết trong khoảng thời gian trên, hướng mắt về phía chòm sao Lyrids nằm ở phía đông trên bầu trời, khá cao so với đường chân trời, chúng ta sẽ quan sát được 20 vệt sao băng/giờ. Những người chưa có kỹ năng quan sát bầu trời có thể sử dụng bản đồ sao, hiện có bán tại các hiệu sách, để xác định chính xác vị trí của chòm sao này vào các khoảng thời gian khác nhau. Mưa sao băng không ảnh hưởng đến mắt cũng như sức khỏe con người nên quan sát bằng mắt thường là tốt nhất.
“Mưa sao băng xuất hiện khi trái đất đi xuyên qua đám mây bụi, thường là tàn dư đuôi của những sao chổi. Ngoài ra, trong vũ trụ có rất nhiều bụi (thiên thạch). Khi những thiên thạch này lao vào bầu khí quyển trái đất, sẽ ma sát mạnh vào các phân tử khí quyển với vận tốc rất lớn (khoảng 30-50 km/giây) nên bị bốc cháy tạo ra những vệt sáng ở độ cao 60-100 km tính từ mặt đất lên. Người ta gọi những vệt sáng nhỏ ấy là sao băng”, ông Phường giải thích.
Quang Duẩn
Bình luận (0)