Có câu “người lắm tài nhiều tật”. Vậy mà xóm mình, mấy ông chồng tài cán không có nhưng tật thì khá “đậm nét”.
Từ anh Cư
Cư là giáo viên kiêm đại lý gas, khả năng dạy có hạn nhưng “súng đạn” có thừa, đi đâu “nổ” đó. Anh nói tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của… Sôlôkhốp cả năm trăm nhân vật mà tao nhớ không sót một ai, có thể kể một lèo không dứt (!?).
Đang dạy thì bốc phét, hỏi học trò bằng tiếng Anh: “Oát ti me i xờ ít?”. Học trò ngớ ra. Ông nói chết chết, học tiếng Anh thế thì nguy rồi. Mãi sau mới biết ông hỏi “What time is it?” (Mấy giờ rồi?). Học trò cười nghiêng ngả.
Ông viết lên bảng tin của trường: “9A quét gián nhệnh phòng học, nhỗ cỏ vườn trường. Khi đi nhớ đem chỗi”. Hiệu phó góp ý, ông nói ôi dào, thời bùng nổ thông tin, viết sao cho nhanh, học sinh hiểu là được.
Vợ là cán bộ xã nghe vậy rầy chồng, nói sách nào chưa đọc thì anh im cho. Tiếng Anh không biết thì đừng ọ ẹ, lũ nhỏ nó cười. Anh “nổ” thì chính anh banh xác chớ tốt đẹp gì. Mình thường sai chính tả thì đừng tương chữ nghĩa ra chỗ đông người. Cư tự ái, nói: “Em chưa ngon đâu. Cỡ tỉnh còn nêu cao khẩu hiệu “chặn đường phát triển”, báo phê phán tùm lum. Em là cái gì mà om sòm?”.
Cư soạn giáo án ngắn lắm, chỉ mấy gạch đầu dòng. Lãnh đạo phê bình còn gân cổ lên cãi. Hôm Phòng Giáo dục chuyển anh sang thư viện, anh bùi ngùi nói: “Thứ nhất là sợ quan tài/ Thứ nhì sợ giáo án dài lê thê/ Thì thôi, thư viện ta về”.
Đến anh Cự
Nhận thiệp cưới, nếu người mời chỉ là sơ giao, Cư thường “bán cái” bằng cách thêm dấu nặng dưới tên mình rồi sai con đưa cho Cự, thợ sửa xe máy cạnh nhà.
Vợ Cự đang trong tình trạng “thiếu 5 phân đầy chục cây” nên ép chồng làm quần quật. Đang thèm xả hơi, giờ có dịp, Cự mừng rơn, hun tấm thiệp chùn chụt, hí hửng nói thẻ nhậu “hợp pháp” của tui đây. Đúng ngày giờ, Cự mặt mũi sáng trưng, tóc tai láng coóng, phóng xe đi. Anh có tật “máu gái”. Sau đám cưới, bạn nháy nhó rủ đi uống bia “em rót” là đi liền, lần nào cũng sa đà tới khuya, mặc kệ hàng chục xe máy xếp hàng chờ sửa.
Vợ “khắc khoải” kêu anh Cự ơi anh Cự hỡi mà chẳng thấy đâu, tức quá đến nhà cha mẹ chồng khóc lóc. Có người điện thoại cho Cự, nói vợ ông làm hung lắm. Đang say nên Cự về cà tửng với vợ, nói tui “thoát ly” theo em mấy chục năm nay, thân này là của em, đời trai tàn tạ xác xơ cũng do em và vì em, nên hư gì em chịu trách nhiệm, sao lại đi mắng vốn mẹ cha?
Khuya hôm đó nhà Cự có tiếng đập phá. Ai cũng nghĩ đồ đạc nhà này chắc bay tưng. Hóa ra không. Cư mò sang, nhìn qua khe cửa thấy Cự nện búa vào miếng tôn rách, miệng quát: “Cô viết đơn đi, tui ký cho”. Lát sau Cự “đổi tông”, lấy hai cái xoong rách te tua đập vào nhau chan chát, mỗi nhịp đập kèm câu chửi: “Cho cô chừa tội hỗn”.
Cư đắc ý kể với vợ vụ “động tác giả” của Cự và chê “đúng là ông chồng cá biệt”. Vợ Cư chua chát: “Còn anh, từ thầy giáo chuyển qua thư viện, anh không cá biệt à? Lại còn đẩy ông Cự vào môi trường bê tha. Rảnh quá!”.
Cự vẫn cười hề hề, nói đời ta đâu gửi thiệp là ta cứ đi. Vợ chửi thì đập… đồ nhôm nhựa. Ngu gì đập đồ xịn rồi còng lưng mà sắm lại?
Vợ Cư dọa chồng, nói bà Cự mà nghe anh sửa thiệp chắc bả cạo đầu anh. Cư xua tay, nói tui có bổn phận cao cả là lâu lâu giúp chồng bả rũ bỏ bộ đồ dầu nhớt để sáng lòa giữa “rừng” em út. Bả không cảm ơn thì thôi, làm gì có chuyện cạo đầu.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)