Mực nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2 đang ở cao trình 155m và để lộ phần mặt đập phía thượng lưu với những chỗ hở rộng, khe nhiệt có độ hở 6 mm.
Khe nhiệt giãn nở trái quy luật
Sáng 18.4, trong cuộc họp với đoàn tổng kiểm tra thân đập thủy điện Sông Tranh 2 (H.Bắc Trà My) gồm Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Quảng Nam, Ban QLDA thủy điện 3 cho biết, qua quan trắc các khe nhiệt đã phát hiện có 10 khe nhiệt mở từ 2 mm - 6 mm, chiếm 87% lượng nước thoát ra. Theo ông Trần Văn Hải, Trưởng ban QLDA thủy điện 3, đó là thông số nằm trong dải con số bình thường. Hiện nước ở cao trình 155m với tổng lưu lượng thấm là 75 lít/giây. Trước đây, con số 30 lít/giây là con số ước tính nên không thể chính xác được. Bây giờ, lượng nước 75 lít/giây là con số tin cậy, sai số tối đa không quá 5%”. Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, "bẻ" lại: Với cao trình nước như trước đây, lượng nước thoát ra từ thân đập nhìn thấy rất nhiều thì lượng nước đo được chỉ 30 lít/giây. Bây giờ nước thoát ra đã ít hơn, cao trình nước còn 155m, tại sao lượng nước đo được lại lớn hơn với 75 lít/giây?
Tuyệt đối không được phép cho nước thấm, rò rỉ ra phía hạ lưu |
||
Ông Lê Trí Tập - nguyên Chủ tịch UNBD tỉnh Quảng Nam |
||
Nhiều thành viên trong đoàn kiểm tra đã tỏ ra bức xúc đặt vấn đề, đang là mùa hè thì các khe nhiệt lẽ ra phải khít lại theo nguyên lý giãn nở của vật rắn, nhưng đằng này lại hở ra.
Theo báo cáo của Ban QLDA thủy điện 3 vào ngày 18.4, lượng nước thấm ra bề mặt bê tông hạ lưu tại các khe nhiệt đã được thu về các hành lang thân đập trên 95%. Đa số các vị trí thấm ra hạ lưu tại các khe nhiệt chỉ đủ làm ẩm bề mặt bê tông. Tuy nhiên, đứng dưới thân đập (phía bên phải nhìn từ thượng lưu xuống), có thể nhận thấy lượng nước thoát ra bề mặt bê tông vẫn còn rất lớn, có chỗ nước phun thành dòng.
Ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UNBD tỉnh Quảng Nam, nói: “Tuyệt đối không được phép cho nước thấm, rò rỉ ra phía hạ lưu. Tất cả lượng nước phải được thu gom lại ở phía trước. Với cao trình 155m như hiện nay, nước đã chảy như vậy, khi tích nước cao thêm nữa, áp lực nước từ thượng lưu sẽ có tác động mạnh hơn nên sẽ chảy mạnh”.
Cần phản biện phương án chống thấm
Từ ngày 22 đến 31.3, đơn vị khắc phục sự cố đã tiến hành thu gom nước thấm vào các hành lang trong thân đập bằng cách khoan 9 lỗ 100 mm tại các khe nhiệt trong hành lang.
Theo kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng Ban PCLB Quảng Nam, thì mức độ thấm của đập thủy điện A Vương chỉ 1,3 lít/giây nên con số 75 lít/giây là quá lớn "Trước đây, 30 lít/giây cũng cho phép, bây giờ 75 lít/giây vẫn cho phép, thế mức nào mới chính xác?”, ông Tuấn bức xúc.
|
Trả lời vấn đề này, đại diện Ban QLDA thủy điện 3 thừa nhận là không được phép thấm nước qua đập bê tông. Tuy nhiên, việc xử lý rò rỉ nước phía chân đập ở thượng lưu rất khó nên trong thời gian tới sẽ thuê ở các đối tác ngoài nước tham gia. Ban QLDA thủy điện 3 đã đề xuất 2 phương án chống thấm.
Đối với các khe nhiệt có lưu lượng thấm lớn: khoan và phụt chất keo chống thấm poluyrethane (PU) vào phía thượng lưu khe nhiệt và dán vật liệu chặn nước là tấm nhựa SR vào bề mặt thượng lưu khe nhiệt. Đối với khe nhiệt có lưu lượng thấm nhỏ: khoan và phụt chất keo chống thấm poluyrethan vào phía thượng lưu khe nhiệt. Được biết, chất keo được mua tại Trung Quốc và cần phải có chuyên gia nước này hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Lê Trí Tập nói rằng: “Phương án cần phải có sự phản biện. Phải thi công trên cạn và cả dưới nước trong điều kiện mực nước xuống như bây giờ. Ngoài ra, phải đặt các trạm thủy văn để đo lượng mưa từ thượng nguồn, xem xét độ ổn định lâu dài của đập”.
Động đất kích thích mạnh hơn Ngày 18.4, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, ông Hồ Văn Lợi (H.Bắc Trà My), cho Thanh Niên biết vào khoảng 20-21 giờ ngày 15.4, xung quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra một trận động đất lớn, rung chấn mạnh hơn so với những trận trước rất nhiều. Vào khoảng 4 giờ sáng 16.4, lại xuất hiện thêm trận động đất mới, người dân lo lắng chạy ra khỏi nhà. Liên quan đến hiện tượng này, UBND tỉnh Quảng Nam vừa gửi văn bản đề nghị Bộ Khoa học - Công nghệ, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam lắp đặt hệ thống quan sát động đất tại Bắc Trà My và đưa vào danh mục đề tài cấp nhà nước để triển khai thực hiện trong năm 2013 đối với nhiệm vụ nghiên cứu quá trình diễn biến động đất tại Quảng Nam. Trong thời gian chờ cấp thẩm quyền phê duyệt và bố trí kinh phí thực hiện đối với việc đặt hệ thống quan sát này, UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam bố trí kinh phí và chỉ đạo Ban Điều hành công trình thủy điện Sông Tranh 2 phối hợp với Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) trong quá trình lắp đặt 5 trạm địa chấn tại H.Bắc Trà My cần đảm bảo phục vụ kịp thời cho quá trình nghiên cứu động đất, đề ra các giải pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đập thủy điện Sông Tranh 2. H.X.H - H.S |
Hoàng Sơn
Bình luận (0)