Công nhân “khát” sân chơi: Thiết kế sân chơi đông vui, giá rẻ

21/04/2012 10:37 GMT+7

Trong khi một số nơi công nhân không có sân chơi hoặc sân chơi nghèo nàn thì ở phía khác, nhiều đơn vị nỗ lực tạo sân chơi lành mạnh cho công nhân.

Trong khi một số nơi công nhân không có sân chơi hoặc sân chơi nghèo nàn thì ở phía khác, nhiều đơn vị nỗ lực tạo sân chơi lành mạnh cho công nhân.

Và khi được “gãi đúng chỗ ngứa”, công nhân tham gia rất đông.

Mô hình điểm sinh hoạt văn hóa

19g, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Nhà máy nhựa Vinh Hạnh (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) không còn một chỗ trống. Hơn 200 công nhân có mặt trước nửa giờ chờ các chuyên gia đến nói chuyện sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn.

“Làm thế nào để đảm bảo một tình yêu công xưởng?”, “Anh ấy cũng là công nhân nhưng ngược ca với em, có lấy nhau được không?”, “Yêu thế nào cho... an toàn?”... Hàng chục câu hỏi “thắc mắc biết hỏi ai” liên tục được đưa ra và tất cả chăm chú lắng nghe trả lời từ các chuyên gia tư vấn. Buổi sinh hoạt chỉ kết thúc khi đồng hồ điểm 23g. Các bạn công nhân ra về trong rôm rả trò chuyện với những nụ cười tươi tắn.

 
Điểm sinh hoạt văn hóa tại Nhà máy nhựa Vinh Hạnh (Hà Nội) thu hút đông công nhân - Ảnh: Gia Phong

Điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân Nhà máy nhựa Vinh Hạnh cũng được dành cho công nhân các công ty khác. Nơi này mở cửa cả ngày nên công nhân có thể đến bất cứ lúc nào rỗi việc. “Không vào ca là mấy chị em rủ nhau xuống đây đọc sách báo” - nữ công nhân Lê Thùy Dung cho biết. “Nhà máy luôn cắt cử người trực thường xuyên để phục vụ công nhân” - bà Trần Thị Lan Hương, giám đốc Nhà máy nhựa Vinh Hạnh, cho biết.

 

Chăm sóc vật chất, tinh thần

Tại TP.HCM, hằng năm các đơn vị còn có những hoạt động, chương trình hỗ trợ công nhân thiết thực như “Chuyến xe công nhân” tặng vé cho lao động về quê ăn tết, thi viết về ngày xuân để công nhân bày tỏ cảm xúc của mình với quê nhà, khám bệnh vòng quanh các khu chế xuất - khu công nghiệp... Đặc biệt, hoạt động trao học bổng và cho vay vốn không lãi suất cho công nhân đi học nâng cao tay nghề mỗi năm hỗ trợ hàng trăm lượt công nhân.

Điểm sinh hoạt văn hóa ở Nhà máy chế biến rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) với cách thức hoạt động tương tự cũng có đông công nhân đến sinh hoạt sau giờ làm. Ông Phùng Văn Hỹ, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, cho biết khi xây dựng thí điểm các mô hình điểm sinh hoạt văn hóa, đơn vị này đã tính đến việc chia đều tại khu nhà ở công nhân do doanh nghiệp đầu tư, tại khu chế xuất - khu công nghiệp, địa điểm gần khu dân cư để thu hút công nhân đến sinh hoạt.

“Đây mới chỉ là mô hình thí điểm. Chúng tôi sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung những loại hình văn hóa, giải trí mà công nhân cần”, ông Hỹ nói. Dự kiến đến hết năm 2012, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động 30-50 điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân; phấn đấu để các đơn vị, doanh nghiệp có từ 200 công nhân trở lên có một điểm sinh hoạt văn hóa.

Dã ngoại giá rẻ, đám cưới 2 triệu đồng

Anh Huỳnh Ngô Tịnh, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM, nhìn nhận: thu nhập thấp, công nhân khó có thể chi tiền cho nhu cầu giải trí. Do vậy, tổ chức các sân chơi miễn phí hoặc với chi phí thấp là cách giúp công nhân giải trí tốt nhất. Cuộc thi Tiếng hát công nhân là một ví dụ, khi những đêm diễn luôn có đông đảo công nhân đến tranh tài và cổ vũ đồng nghiệp mình.

Hiện nay Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM là đơn vị chuyên tổ chức nhiều hoạt động hướng đến công nhân như dã ngoại giá rẻ (30.000 đồng/chuyến), giải bóng đá và chạy việt dã thường niên, các cuộc thi tiếng hát, nét đẹp cùng nhiều chương trình truyền thông về sức khỏe sinh sản, tư vấn pháp lý, tình yêu hôn nhân gia đình... Tất cả hoạt động trên đều vận động doanh nghiệp và các nguồn lực xã hội hỗ trợ. Đặc biệt, chương trình đám cưới tập thể “bao trọn gói” từ quay phim, chụp hình, trang phục cưới, nhẫn cưới... với mức phí 1-2 triệu đồng/cặp đôi đã trở thành thương hiệu của đơn vị này khi được công nhân hưởng ứng nhiệt tình. “Khi tổ chức được những hoạt động thu hút công nhân thì việc tìm nhà tài trợ sẽ thuận lợi hơn” - anh Tịnh nói về bài toán kinh phí.

Anh Trần Thiên Long, phó giám đốc Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM, kiêm giám đốc Trung tâm Sinh hoạt công nhân Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM), cho biết hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên việc vận động kinh phí để tổ chức sân chơi cho công nhân cũng gặp trở ngại. Tuy vậy, trung tâm cố gắng mỗi tuần tổ chức một hoạt động chuyên đề, vui chơi có thưởng để thu hút công nhân đến chơi. Nội dung chuyên đề được thay đổi hằng tuần từ nghệ thuật ứng xử, hát với nhau, thi tài lẻ...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.