Đó là tình trạng nhiều người dân TP.HCM đang gặp phải hiện nay, cho dù ở nhiều khu vực, đường ống cấp nước chạy ngang qua ngay mặt nhà như một sự trêu ngươi.
Có đường ống, không có nước
Giữa trưa tháng 4 nắng gắt, tiếp xúc với Thanh Niên, anh Nguyễn Văn Diệu (chủ nhà 42/14A Phan Văn Hớn, KP.7, P.Tân Thới Nhất, Q.12) bức xúc cho biết, giữa năm 2011 đơn vị cấp nước đã kéo ống qua gần nhà anh. Lúc đó, nhân viên khẳng định tháng sau nhà anh sẽ có nước máy, nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy đâu. Anh Diệu kể: “Nước giếng nhiễm phèn rất nặng. Mua bộ lọc gần 5 triệu đồng lọc nước giếng nhưng nhà tôi chỉ dám tắm, giặt. Mỗi tuần phải mua 3 bình nước lọc về để ăn uống. Bình đun nước nóng mặt trời thông thường xài được 4-5 năm, nhà tôi mới xài gần 2 năm đã mục do nước nhiễm phèn”. Nhiều hộ dân xung quanh cũng gặp tình cảnh tương tự.
Hàng trăm hộ dân hẻm 76 Nguyễn Sơn, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú cũng hết sức khổ sở nhiều năm nay do không có nước máy dù đường Nguyễn Sơn đã có ống chính từ rất lâu. Anh Vũ, nhà cách mặt tiền đường 20m, cho biết đơn vị cấp nước bảo muốn có nước máy anh phải đóng tiền làm ống riêng, chi phí lên đến 7 triệu đồng. Nhiều tiền quá nên cuối cùng anh chọn cách mua bộ lọc nước giếng giá 3,5 triệu đồng để xài. Anh Thủy, ở cùng hẻm với anh Vũ, kể: không có nước máy, các hộ đành xài nước giếng. Nhưng nếu khoan giếng cạn thì nước bị phèn, khoan sâu thì phải tốn vài chục triệu đồng nhưng nước vẫn không thể bằng nước máy. Tại các khu phố 4, 5, 6, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, các hộ dân phải đi mua nước bằng xe bồn, hoặc câu nhờ, do chưa có đường ống nhánh, mặc dù Q.Thủ Đức có đến 2 nhà máy nước cung cấp nước chính cho TP.
|
Không xin được giấy phép đào đường
Một nguyên nhân lớn khiến ngành cấp nước chưa thể kéo nước vào nhà dân là không xin được giấy phép đào đường. Ông Thái Hồng Lĩnh, Phó trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP cấp nước Chợ Lớn, kể: Công trình sửa chữa ống mục tại P.10, Q.8 nhằm tăng áp lực nước trong khu vực được Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4) cấp phép đào đường cuối năm 2011. Tuy nhiên, đến tháng 12.2011, do nhà thầu thi công chậm tiến độ, chủ đầu tư (Công ty CP cấp nước Chợ Lớn) buộc phải cắt hợp đồng với nhà thầu. Ngay sau đó, chủ đầu tư xin giấy phép đào đường lại để tiếp tục thi công thì Khu 4 không đồng ý với lý do năm nay là năm an toàn giao thông, phải cẩn trọng trong việc cấp phép đào đường. Vì vậy, đến nay công trình vẫn giậm chân tại chỗ. Trên đường Phạm Thế Hiển, P.2, Q.8, mặc dù đã có đường ống cái nhưng người dân vẫn phải chịu khát. Theo Công ty CP cấp nước Chợ Lớn, do ống cái nằm dưới lòng đường, khi chủ đầu tư xin phép thi công đưa nước vào nhà dân thì đơn vị quản lý đường (Khu 4) yêu cầu phải di dời ống cái lên lề mới cấp phép. Thế nhưng, theo ông Lĩnh, về mặt kỹ thuật cấp nước thì không thể di dời như vậy được, chưa kể chi phí rất tốn kém, mất nhiều thời gian.
Ngoài ra theo các công ty cấp nước, một khó khăn lớn hiện nay là do chưa có hướng dẫn cụ thể những tuyến, đoạn đường nào không được đào nên ngành cấp nước rất lúng túng. Nhiều dự án cấp nước, sau khi nhận hồ sơ đề nghị gắn đồng hồ nước của khách hàng, đơn vị cấp nước tiến hành lập dự án, thiết kế, lên kế hoạch thi công... giờ chót lại vướng giấy phép đào đường. Ông Lĩnh đề nghị Sở GTVT, UBND các quận, huyện...
nên công bố cụ thể danh sách những tuyến đường bị cấm đào hằng năm để ngành cấp nước căn cứ trả lời cho khách hàng ngay từ khi nộp hồ sơ. Theo ông Lê Minh Triết, Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TP.HCM, quy định hiện nay các tuyến đường đã thi công thảm nhựa xong phải 3-5 năm sau mới được đào. Trừ những trường hợp xử lý sự cố khẩn cấp, trường hợp ngoại lệ đặc biệt, nhưng quy mô tái lập phải theo ý của Sở GTVT.
Nguyễn Đình Mười
Bình luận (0)