Tái diễn nạn đổ trộm chất thải xây dựng

23/04/2012 08:44 GMT+7

Trên nhiều tuyến đường phố thủ đô Hà Nội, tình trạng đổ trộm chất thải vật liệu xây dựng… diễn ra ngày một tăng, với những thủ đoạn tinh vi, táo bạo hơn rất nhiều.

 
Chất thải xây dựng bị đổ trộm tại khu Nam Trung Yên (Ảnh chụp chiều 19.4) - Ảnh: Minh Sang

Những ngày trung tuần tháng 4.2012, một loat các tuyến đường như Lê Văn Lương, đường vành đai 3, quốc lộ 32, đại lộ Thăng Long… cho tới khu vực nội thành như khu đô thị Nam Trung Yên, Linh Đàm, Mỹ Đình đã trở thành “điểm đến” của dân đổ trộm chất thải xây dựng. Điển hình nhất là tuyến phố mới mang tên Vũ Phạm Hàm, cắt ngang từ phố Trung Kính dẫn tới khu khu đô thị Nam Trung Yên (P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Theo phản ánh của những người dân sinh sống trong khu vực thì gần như đêm nào, tuyến phố này cũng bị đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng. Nhiều người dân vì quá bức xúc, đã bàn mưu rình bắt, nhưng phần vì các đối tượng đổ trộm ra tay rất mau lẹ, nên đã mấy lần bắt hụt. Được đà, cánh xe đạp thồ, xe máy cũng chất phế thải xây dựng trong bao tải đến đổ trộm.

 
Ngày 26.5.2008, lần đầu tiên, một đối tượng đổ trộm chất thải xây dựng, chống người thi hành công vụ đã bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 15 tháng tù.

“Không chỉ bụi đất đá từ phế thải gây ô nhiêm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống người dân, mà việc đổ trộm phế thải còn gây mất an toàn cho người đi đường. Bản thân tôi đã từng chứng kiến không dưới ba vụ người dân tham gia giao thông đột nhiên đâm vào đống đất thải bị đổ trộm dưới lòng đường dẫn tới tai nạn”, anh Trần Văn Chiến (ở phố Trung Kính, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy), hiện làm nghề “xe ôm” trên phố Vũ Phạm Hàm kể.

Anh Chiến cho biết thêm, cứ sau mỗi đêm, người dân lại thấy xuất hiện thêm nhiều đống phế thải to bằng cả gian nhà. Có hôm, đống phế thải bị đổ trộm lấn gần ra mãi giữa lòng đường. Còn cánh đồng hơn chục hecta trồng rau muống kế đó cũng bị phế thải lấp mất phần diện tích đáng kể.

Để đối phó với nạn đổ trộm này, một hàng rào sắt được dựng lên, bao quanh lấy ao rau muống. Cùng với đó là một tổ bảo vệ gồm 8 thành viên được chia làm 4 chốt (ứng trực 24/24h) rải đều tuyến phố Vũ Phạm Hàm. Ông Trương Ngọc Chính (quê xã Quảng Vọng, H.Quảng Xương, Thanh Hóa), một thành viên của tổ bảo vệ này cho biết: dân đổ trộm phế thải xây dựng thường sử dụng loại xe bán tải từ 1 - 5 tấn để chở đất đá. Loại xe này có ưu điểm là cơ động, vào được các ngõ ngách nhỏ. “Bao giờ cũng vậy, trước khi dựng ben lên để trút đất, lái xe bao giờ cũng điều khiển cho xe bò thật chậm, ép sát lề đường. Sau đó tên này thò đầu qua cửa kính, tắt máy, ngó trước, ngó sau như thể xe có vấn đề trục trặc, nhưng thực chất là để quan sát. Không thấy động tĩnh gì là lập tức dựng ben đổ đất”, ông Chính kể.

Cũng theo ông Chính, đã nhiều lần ông nhìn thấy chúng dừng xe đổ trộm cách nơi mình đứng không xa, nhưng cũng không tài nào mà đuổi bắt được.

Ông Nguyễn Văn Huấn, một thành viên khác của tổ bảo vệ cho biết, các đối tượng đổ trộm phế thải rất manh động. “Như trường hợp cậu bảo vệ Thế Anh dùng xe máy để cản đường chạy của chiếc xe tải đổ đất. thì không ngờ lái xe đã đạp ga, để xe tải chở đất cán nát chiếc xe máy hòng tẩu thoát”, ông Huấn dẫn chứng.

Vẫn theo ông Huấn, từ khi có sự xuất hiện của lực lượng bảo vệ, tình trạng đổ trộm đất trên phố Vũ Phạm Hàm đã giảm hẳn. Tuy nhiên, lượng phế thải xây dựng ở khu chung cư Nam Trung Yên kề ngay đó lại ngày một nhiều hơn.

“Có những hôm thấy chúng đổ trộm bên khu đô thị ngay đó mà tôi không dám bỏ chốt để đuổi bắt. Vì sợ khi mình vừa dời vị trí, chúng lại kéo nhau ra trút trộm đất đá thì còn khổ hơn. Tức quá, tôi phải gọi Cảnh sát 113 tới. Nhưng thấy động chúng lại chạy liền”, ông Huấn phản ảnh.

Quả đúng như lời ông Huấn, qua khảo sát, hiện tại khu vực khu đô thị Nam Trung Yên, tới bất cứ ngóc ngách, đoạn đường nào, người ta cũng dễ dàng nhìn thấy những đống phế thải xây dựng trên vỉa hè, dưới lòng đường…

Hà An

>> Xử phạt doanh nghiệp thủy sản "xả bẩn" ra môi trường
>> Ra lò mẻ dầu công nghiệp đầu tiên từ rác thải
>> Đổ xà bần xuống kênh
>> Dân bức xúc chặn xe chở rác
>> Tạm đình chỉ DN gây ô nhiễm môi trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.