Làng đại học (ĐH) bây giờ được nhiều sinh viên (SV) ví von là làng đại… rác.
Len lỏi trong những xóm trọ ở làng ĐH (giáp ranh giữa Q.Thủ Đức, TP.HCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đâu đâu cũng thấy rác thải chất thành đống và nằm vương vãi bên vệ đường, dưới kênh rạch làm mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trần Văn Thức - SV Trường ĐH Nông lâm TP.HCM ở trọ tại tổ 7, khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, bức xúc: “Thật không thể tưởng tượng được môi trường học tập và sinh hoạt của SV lại bị ô nhiễm đến thế. Khắp các tuyến đường trong khu nhà trọ ở đâu cũng thấy những đống rác thải tồn đọng lâu ngày, bốc mùi hôi thối nồng nặc”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, gần Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (cơ sở Thủ Đức) có một con rạch thoát nước chảy qua khu vực hồ cá sinh viên thì bị những người buôn bán, họp chợ mỗi ngày tùy tiện đổ rác xuống làm bít dòng chảy, khiến nước thải ứ đọng lại lâu ngày không thoát được, tạo điều kiện cho ruồi muỗi sinh sôi và bốc mùi hôi thối kinh khủng.
|
Cách đó không xa, những con đường dẫn vào xóm nhà trọ tại khu phố Tân Lập, P.Đông Hòa, thị xã Dĩ An cũng ngập rác thải. Để xử lý những đống rác này, nhiều chủ nhà trọ chọn phương án đốt để tiêu hủy. Trần Thị Phương Thúy - SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, trọ tại khu vực này, cho biết: “Cứ vào buổi chiều tối là các chủ nhà trọ ở đây thường gom rác lại thành từng đống để đốt, khói bao trùm cả xóm trọ thiếu điều muốn ngộp thở luôn. Đó là khi trời nắng rác khô còn đốt được chứ vào mùa mưa thì vô cùng bẩn thỉu. Rác thải tràn ra giữa đường gây nhếch nhác vô kể”.
Sở dĩ ở làng ĐH đâu đâu cũng thấy rác thải là vì khu vực này không có xe đổ rác công cộng, vì vậy cứ vào buổi tối là mọi người ở đây cứ vô tư mang rác vứt ra đường. “Trước đây thì có xe rác vào lấy rác mỗi ngày, SV hằng tháng gom tiền lại đóng cho người đổ rác, nhưng thời gian gần đây không hiểu vì lý do gì không thấy họ đến lấy rác nữa. Vì vậy, mọi người cứ tùy tiện vứt rác ra đường. Thiệt tình tụi mình cũng không biết đổ rác ở đâu nên đành vứt đại vậy”, Trần Bích Phượng - SV Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng trọ tại khu vực này, cho biết.
|
Không chỉ ô nhiễm bởi rác thải mà nhiều năm nay tại tổ 7, khu phố 6, P.Linh Trung (Q.Thủ Đức), gần Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM còn tồn tại một số trại nuôi heo của người dân địa phương nhiều năm nay, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe của nhiều SV ở trọ xung quanh khu vực này. Nguyễn Hữu Lộc - SV Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, ở trọ gần khu vực này không giấu được nỗi bức xúc: “Không biết đến bao giờ SV ở trọ tại khu vực này mới thoát khỏi cảnh ô nhiễm môi trường do trại heo gây ra. Chỉ vì lợi ích của một vài cá nhân mà nhiều SV ở trọ phải chịu khổ khi ngày nào cũng hít phải mùi phân heo. Tình trạng này kéo dài chắc chắn SV sẽ bị mắc các bệnh về đường hô hấp”.
Minh Hằng - SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: “Nhiều khi ngồi học trên lớp, có cơn gió từ hướng trại heo thổi qua là chịu không thấu, vừa học vừa phải lấy tay bịt mũi”. “Mình nghĩ để giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi heo và rác thải tồn đọng tại khu vực làng ĐH đâu có gì khó nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương cứ để tồn tại mãi như thế”, Nguyễn Thanh Toàn - SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bức xúc.
Sẽ làm việc với đường dây thu gom rác “Chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra để xử lý vấn đề này, đồng thời vận động để các hộ dân chấm dứt việc nuôi heo hoặc di dời trang trại đi nơi khác. Còn việc SV bức xúc rác thải tồn đọng tại khu vực này lâu ngày mà không được thu gom thì chúng tôi cũng sẽ làm việc với đường dây thu gom rác của hợp tác xã chịu trách nhiệm thu gom rác tại khu vực này để yêu cầu đơn vị trên cho người thu gom rác đúng tiến độ nhằm chấm dứt tình trạng rác thải tồn đọng như hiện nay". Lê Xuân Tùng (Phó chủ tịch UBND P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) Mọi người cần có ý thức hơn “UBND phường sẽ phối hợp với các tổ trưởng tại khu phố Tân Lập tiến hành kiểm tra, sau đó làm việc cụ thể với bộ phận thu gom rác để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Qua đây, chúng tôi cũng kêu gọi các chủ nhà trọ và SV cần có ý thức hơn trong việc bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ nhằm tạo điều kiện cho người thu gom rác dễ dàng hơn, góp phần giữ gìn môi trường sống của chính bản thân mình”. Đặng Thị Ngọc Diệp (Cán bộ phụ trách về môi trường của P.Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương) |
Lê Thanh
Bình luận (0)