Ủy ban Pháp luật Quốc hội chất vấn Bộ trưởng GTVT

25/04/2012 03:29 GMT+7

Mặc dù thu phí không phải là nội dung được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề cập cụ thể khi báo cáo thực trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông tại phiên điều trần do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức hôm qua, song khi “chất vấn”, nhiều ĐB đã xoáy vào vấn đề dư luận hết sức quan tâm này.

Sao không thấy giải pháp chống thất thoát đầu tư ?

 

 Trong 1,9 triệu ô tô, chủ yếu tất cả chính sách xử lý vi phạm hướng về xe biển trắng, như vậy là không công bằng. Hình như xe biển kiểm soát 80B rất ít khi bị thổi còi

ĐBQH tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc

Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh đặt vấn đề: thất thoát trong quản lý đầu tư các công trình giao thông đường bộ hiện nay lên tới hàng ngàn tỉ đồng nhưng không thấy Bộ trưởng GTVT nêu các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục, trong khi đó, vừa qua Bộ lại đề xuất phương án thu phí các phương tiện trong bối cảnh đại đa số người dân đời sống vẫn còn khó khăn. Ông Vinh đề nghị Bộ trưởng giải thích về vấn đề này vì “đây là vấn đề không nhận được đồng thuận của nhân dân”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng lên tiếng: “Nhà nước cần phải nghiên cứu chính sách làm sao hạn chế thu tiền của dân. Chúng ta phải nghĩ ra cơ chế để thu hút đầu tư, làm cho cơ sở hạ tầng tốt lên chứ không phải chúng ta chỉ nghĩ mỗi cách là thu tiền của dân. Ta cứ nghĩ thu thuế của dân bằng mọi cách trong khi đó thì tham nhũng, lãng phí mỗi năm lên tới hàng ngàn tỉ đồng”.

Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng, đề xuất của Bộ GTVT về thu phí hạn chế phương tiện giao thông và phí lưu hành phương tiện ở nội đô 5 TP lớn vừa qua không những khiến dư luận hết sức băn khoăn mà còn ảnh hưởng đến thu ngân sách do người dân ngại mua xe ô tô vì sợ bị thu phí; không đảm bảo công bằng giữa các đối tượng sử dụng phương tiện.

Ông Hùng cho rằng, hạ tầng giao thông yếu kém là trách nhiệm của Nhà nước do không thực hiện quy hoạch theo quy định chứ không phải của người dân, vậy sao bây giờ đổ hết gánh nặng cho dân? “Một ô tô nhập vào Việt Nam đã phải chịu bao nhiêu loại thuế, sao lại còn thêm loại phí nữa? Đúng là như một ĐB đã nói cách dễ nhất là thu tiền của dân, khi đưa ra chính sách đề xuất nào phải tính tới tác động của chính sách đó”, ông Hùng nhận xét, và đặt câu hỏi: Bộ trưởng suy nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng chúng ta chưa cân nhắc, thận trọng trong xây dựng chính sách vừa qua?

Chỉ thu phí khi dân đồng thuận

Tương tự những lần giải đáp trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định lại tất cả các giải pháp Bộ đang triển khai là nhằm thực hiện các nghị quyết của Đảng, QH và Chính phủ. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp này vừa rồi Bộ mới chuẩn bị, còn phải thực hiện đúng quy trình pháp luật và phải đảm bảo đồng thuận của người dân, dân đồng tình ủng hộ mới thực hiện được.

 

 Không có chuyện phân biệt đối xử giữa xe công với xe biển trắng biển đen, vì trước pháp luật mọi công dân đều bình đẳng

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng

Phát biểu sau đó, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Hà Thị Liên nói thêm: Vừa qua MTTQ VN đã có công văn gửi tới Bộ GTVT đề nghị gửi dự thảo đề án thu phí để phản biện nhưng Bộ GTVT nói đang dừng lại, chưa đề xuất, chờ đến thời điểm nào đó phù hợp sẽ trình thực hiện loại phí này. “Tôi thiết tha đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng loại phí này vì mức phí ô tô 20 - 50 triệu đồng/năm không phải là số tiền nhỏ”, bà Liên nói.

Tiếp nối ý kiến bà Liên, Bộ trưởng Đinh La Thăng mong các ĐBQH, người dân thông cảm với ngành GTVT vì việc đề xuất thu phí không phải là sáng kiến riêng gì của Bộ mà là nằm trong chuỗi giải pháp chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế của lĩnh vực giao thông đã được QH thông qua về mặt chủ trương. “Tất nhiên để thực hiện phải có lộ trình, được sự đồng thuận của dân. Hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, việc này phải thực hiện thận trọng theo quy trình chặt chẽ, chỉ thực hiện khi được sự đồng thuận của người dân”, Bộ trưởng nói.

Chủ ô tô phải mở tài khoản nộp phạt

Trước chất vấn của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển về tình trạng TNGT, số người chết và bị thương đáng lo ngại trong nhiều năm qua, giải pháp khắc phục ra sao? Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đến cuối năm sẽ giảm được hơn 2.000 người chết và nhấn mạnh: “Đúng là số người chết, bị thương, dù đã giảm vẫn còn rất lớn, còn nghiêm trọng nhưng giảm được 2.000 người chết là con số rất lớn”.

Trong số các giải pháp đề xuất khắc phục vi phạm giao thông đường bộ, Bộ GTVT kiến nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực GTVT lên 200 triệu đồng, vì cho rằng hiện nay ùn tắc giao thông và TNGT rất trầm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đề nghị Ủy ban Pháp luật hoàn thiện dự luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó quy định chủ xe ô tô phải mở và duy trì tài khoản tại ngân hàng, coi đây là điều kiện bắt buộc để phương tiện tham gia giao thông...

Đồng loạt kiến nghị tịch thu xe quậy phá

Theo báo cáo của thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATGT (Bộ Công an) tại phiên điều trần, từ 1.1.2011 đến 29.2.2012, tình hình tụ tập, gây rối trật tự công cộng, đi mô tô, xe máy tốc độ cao, lạng lách và đua xe trái phép diễn ra tại một số đô thị lớn, đặc biệt là tại TP.HCM, Hà Nội. Lực lượng công an đã bắt giữ 1.150 trường hợp vi phạm, trong đó khởi tố 22 trường hợp gây rối trật tự công cộng và đua xe trái phép. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công an đề nghị Ủy ban Pháp luật tham mưu cho QH “giữ nguyên quy định về hình thức xử phạt bổ sung như Chính phủ đã trình trong dự luật Xử lý vi phạm hành chính, theo đó cho phép tịch thu phương tiện sử dụng để đua xe trái phép, không phân biệt chủ sở hữu”.

Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng kiến nghị Ủy ban Pháp luật hoàn thiện dự luật Xử phạt vi phạm hành chính theo hướng “quy định tịch thu và sung công đối với các trường hợp nguy hiểm cho xã hội như đua xe trái phép, không phân biệt chủ sở hữu”.

Đại diện lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM cũng tán đồng quan điểm ấy.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.