Hấp lực của biển
Sau 50 ngày đêm bắt giữ, cuối cùng Trung Quốc cũng buộc phải thả 21 ngư dân Lý Sơn vào ngày 20.4.2012 vừa rồi. Thuyền trưởng tàu QNg 66074 TS Trần Hiền trở về trong niềm vui đẫm nước mắt. Mở nhật ký hải trình, Hiền ghi thêm một lần bị bắt. Ở nhà, vợ anh sinh thêm một đứa con. Đảo Lý Sơn lại có thêm một công dân nối gót ông bà thẳng tiến Hoàng Sa mỗi lần xuống tàu đi biển...
Hỏi vì sao mỗi lần ra Hoàng Sa là biết sẽ gặp hiểm nguy mà vẫn cứ ra ngoài đó để cho Trung Quốc bắt? Anh Hiền nói không đắn đo: “Vì đó là ngư trường quen thuộc của chúng tôi!”. Mai Phụng Lưu, con “kình ngư” của Lý Sơn, khẳng định thêm: “Đất của ông bà mình, mình ra đó đánh cá, sợ chi!”. Chúng tôi tin anh Lưu nói điều đó xuất phát từ sự chiêm nghiệm máu thịt về vùng biển ấy ngót 30 năm nay, chứ không phải là kết quả của sự bốc đồng.
|
Trần Hiền vừa là đàn em Mai Phụng Lưu về tuổi tác, vừa là đàn em trong dạn dày “trận mạc”. Hiền “mới” bị bắt có 2 lần, Lưu những 4 lần! Tuổi Bính Ngọ (1966), Mai Phụng Lưu tự nhận mình là “con ngựa biển”, từng tung vó ngang dọc Hoàng Sa, bất chấp hiểm nguy luôn rình rập, bởi anh chỉ nghĩ đơn giản một điều rằng, Hoàng Sa là đất của ông bà mình, là “nhà” của mình thì mình có quyền ở, có quyền đi lại, mọi sự “hù dọa” hay bắt bớ là điều vô lý, không thể chấp nhận được! Và anh đã phải trả giá cho điều xác quyết đó bằng 4 lần bị Trung Quốc bắt giam, có bận trắng tay vì nợ nần chồng chất do bị tịch thu tàu.
Trong số gần 200 tàu cá của ngư dân Lý Sơn luôn có mặt tại vùng biển Hoàng Sa, thì tàu của Mai Phụng Lưu có số ngày đi biển Hoàng Sa lâu nhất. Trừ những ngày biển động, còn lại hầu như anh có mặt ngoài ấy, không chịu di chuyển sang bất cứ một ngư trường nào khác. Vì vậy, Mai Phụng Lưu thuộc Hoàng Sa như thuộc ngõ nhà mình, còn phía Trung Quốc thì “thuộc” và xem anh như một tên tội phạm cần phải loại trừ. Họ thù Lưu đến mức, ngay tại đảo Phú Lâm, một tấm ảnh thật lớn của anh cùng Tiêu Viết Là (một ngư dân khác quê Bình Châu, Bình Sơn, cũng từng 4 lần bị Trung Quốc bắt giam) được dán ngay tại bến cảng, y như “tội phạm có lệnh truy nã” vậy. Hôm Mai Phụng Lưu bị bắt lần thứ 4 (9.2010), khi bước lên bến cảng của đảo Phú Lâm, anh chợt giật thột khi nhìn thấy ảnh mình cùng bạn chài Tiêu Viết Là được dán nơi “trang trọng” nhất với lời chú thích bằng tiếng Trung, dù không đọc được nhưng Lưu thừa biết nội dung của nó là gì rồi.
|
Chị Phạm Thị Lan, vợ Mai Phụng Lưu, người đàn bà đã nhiều lần “hóa đá” trước những hung tin về chồng mình sau mỗi lần bị Trung Quốc bắt giam và đòi tiền chuộc, lý giải về “cơn nghiện” Hoàng Sa của Lưu: “Tui bảo rồi mà có chịu nghe đâu. Lần nào ổng cũng bảo “anh đi Trường Sa chứ không ra Hoàng Sa nữa đâu mà mẹ mày lo”, nhưng ra khỏi bến cảng, thấy tàu chạy về hướng nam, tưởng ổng giữ lời hứa, ai ngờ hai ba hôm sau, mấy ông bạn chài gọi về bảo “tao thấy thằng Lưu đang ở Hoàng Sa, Lan à”, tui lên ruột với ổng luôn”. Phải nói rằng, hai tiếng Hoàng Sa như một ma lực đối với Mai Phụng Lưu, ngay cả bản thân Lưu cũng không lý giải một cách rạch ròi vì sao mình lại “mê tín” Hoàng Sa đến vậy, đến mức, hễ mỗi lần tàu rời bến cảng Lý Sơn là trực chỉ Hoàng Sa, như thể có một thế lực siêu nhiên nào đó đưa đường dẫn lối Lưu đi. Và chỉ có thể giải thích rằng, đó là kết quả của một tình yêu tự nguồn, luôn hằn sâu trong máu huyết chứ không cố mà có được.
Nén nhang trên đảo Bạch Quy
Trong nhà Mai Phụng Lưu luôn có những hiện vật độc đáo do anh sưu tầm được tại vùng biển Hoàng Sa. Một là cây phong ba, hai là những bao cát màu vàng. Cây phong ba bây giờ như bộ rễ khô cứng, được Mai Phụng Lưu đánh vẹc ni láng bóng, đặt ngay phòng khách. Hỏi vì sao không “nuôi” cho cây phong ba ấy sống mà để chết vậy? Lưu tiếc rẻ: “Đâu có tự do đào thoải mái như ở Lý Sơn mà giữ bộ rễ nó mang về được. Để khỏi bị phát hiện, gần như tôi chặt luôn cả gốc, làm sao cho nhanh nhất, mang nó về như một kỷ niệm, như mang một góc của Hoàng Sa về đặt tại Lý Sơn này”.
Mai Phụng Lưu kể rằng, cây phong ba ấy cùng với hai bao cát màu vàng là do anh mang về từ đảo Bạch Quy - hòn đảo mà bất cứ một tàu đánh cá nào của Lý Sơn đi Hoàng Sa cũng phải ngang qua đó. Ngang qua Bạch Quy thì có rất nhiều tàu cá của Lý Sơn nhưng dừng lại để “mang một góc Hoàng Sa về Lý Sơn” thì chỉ có một mình Mai Phụng Lưu nghĩ ra? Nghe chúng tôi nói vậy, Lưu đính chính: “Thực ra anh em khác cũng muốn ghé Bạch Quy để lấy một ít trứng rùa hoặc dăm bảy ký cát về làm kỷ niệm nhưng cho tàu vô sát đảo là rất khó khăn, nếu không có kinh nghiệm, tàu dễ bị mắc kẹt lắm. Tôi quen rồi nên ra vô đảo Bạch Quy dễ dàng hơn những anh em khác”. Để làm bằng chứng về chuyện lấy cát vàng và trứng rùa ở đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa là có thật, mùa hè năm 2011, người con trai của Lưu trở thành tay máy nghiệp dư duy nhất của VN ghi lại cảnh cha và anh mình đang lấy cát và thắp nhang tại đảo Bạch Quy này! Có lẽ đây là tấm ảnh mới nhất do người Việt chụp được từ Hoàng Sa. Nếu không có một tình yêu thành tín với tiền nhân về Hoàng Sa, sẽ rất khó khăn khi vừa mang lưới lại vừa mang cả máy ảnh - công việc hoàn toàn xa lạ với cha con Lưu, để ra khơi.
Đến nhà Mai Phụng Lưu bây giờ như gặp một Hoàng Sa thu nhỏ, ở đó không chỉ có những câu chuyện bất tận về vùng biển ấy sau 30 năm vật lộn với thiên tai và cả nhân tai được Lưu kể không sót một chi tiết nào, mà còn có thể sờ tận tay một phần xương thịt của Hoàng Sa thông qua những hiện vật ấy. Bây giờ, đó không chỉ đơn thuần là những hiện vật nữa. Đó là Tổ quốc! Nhìn những bao cát vàng và cây phong ba ấy, thấy Hoàng Sa như gần lại với ta hơn.
Trần Đăng - Đỗ Hùng - Hiển Cừ
Bình luận (0)