Bảo tàng chuyện ở tù

29/04/2012 03:56 GMT+7

Trong nắng chan hòa cuối tháng 4, nhóm cựu chiến binh đỡ hai bức tượng người lính lên vị trí mới tại Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Phú Xuyên, Hà Nội). “Đỡ lấy, dịch đồng chí ấy sang đây một chút”, họ nhắc nhau trân trọng.

Bảo tàng chuyện ở tù
Ông Lâm Văn Bảng kể chuyện về người đồng đội bị giặc đổ nước xà phòng sôi vào miệng cho đến chết - Ảnh: Trinh Nguyễn

“Chúng tôi chuyển chỗ đứng cho hai đồng chí ấy vì bảo tàng vừa xây thêm cổng điện thờ để chuẩn bị làm lễ tưởng niệm ngày 30.4”, ông Vệ - một cựu chiến binh - cho biết lý do dịch chuyển hai bức tượng. Cạnh ông, mấy người thợ hồ vẫn tiếp tục quét những đường sơn trắng cuối cùng lên chiếc cổng có mái. 

Ba chục công thợ và vật liệu xây sửa khoảng hai chục triệu đồng đều do những người tù cách mạng năm nào quyên góp. Làm từng việc một khi đã góp đủ tiền là cách Giám đốc Lâm Văn Bảng cùng đồng đội xây dựng bảo tàng từ một phòng truyền thống nhỏ. Sau mười năm, bảo tàng giờ có tới chục phòng với những nội dung khác nhau. “Chúng tôi làm bảo tàng tự giác, tự nguyện, tự túc”, ông Bảng nói.

 

Tại Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, chúng tôi đã gặp nhiều trong số những hình ảnh đậm nét lịch sử chiến tranh và sự khốc liệt của nó. Tôi nghĩ sinh viên rất cần hiểu biết về lịch sử của những người bị địch bắt tù đày. Nhất là khi hiện nay bên Mỹ, nhân dân Mỹ cũng phản đối về sự tồn tại của nhà tù Guantanamo.

PGS David Stic, ĐH California, Mỹ

“Bảo tàng chúng tôi là chuyện kể về cái ác của địch, sự kiên cường của đồng chí ta trong tù”, ông Bảng cho biết. Chuyện được kể bằng mô hình do chính ông và bạn tù thiết kế. Chiếc thùng phuy nhốt người rồi gõ trên đỉnh cho tới khi đinh tai nhức óc, trào máu miệng. Chiếc thùng rác phủ lá cây ngụy trang để vượt ngục. Dụng cụ tra tấn mang từ Côn Đảo về. Những mô hình khu biệt giam, chuồng cọp cũng được dựng lại. Có hiện vật mang về sau giải phóng như “đá hồn thiêng” tại tử huyệt của 1.033 chiến sĩ trên đảo Phú Quốc. Có những hiện vật được mang về trước giải phóng, khi những người tù được trả tự do. 

Thường trực ở bảo tàng là 15 cựu chiến binh, chia thành các nhóm khác nhau. Đều từng sống cả năm trời trong nhà ngục, họ có thể hướng dẫn tham quan bằng chính sự từng trải của mình trong khi những người còn lại quét tước, trông nom xe cộ miễn phí cho khách.

Chi tiết đến từng sợi dây, nhát búa, phần lớn khách đến đây nghe câu chuyện của họ lại rưng rưng chấm nước mắt, nhất là phụ nữ. Cho dù trong chiến tranh, vẫn thật khó tưởng tượng đó là điều người có thể làm với người.

Mỗi nhân viên không lương ở bảo tàng, nếu không về đây gặp nhau, lo cho các đồng chí cũ là thấy mình vẫn còn mang nợ. Nợ một điếu thuốc, nợ những lần đồng đội che chắn roi tù cho mình khi nằm trên cáng bị thương... Tuổi U.80 không ngăn họ đạp xe, đi xe buýt vượt những quãng đường dài có khi cả bốn năm chục cây số về đây bên bạn bè.

Bảo tàng ra đời trên mảnh đất hương hỏa 2.000m2 của ông Bảng. Mỗi m2 giá khoảng 17 triệu đồng theo thời giá bây giờ. Bảo tàng vận hành nhờ công sức của những người lính. Đến cơm trưa cũng theo thể thức cùng góp. Cơm giản dị như ngày họ còn đi lính với chủ yếu là rau tự trồng ngay tại bảo tàng. Mâm cơm đặt thêm hai chiếc bát, hai đôi đũa để đồng đội về cùng ăn. Tới chiều, họ cùng nhau chơi bóng bàn một góc sân.

“Tôi cũng lấy làm lạ, chim chóc quanh đây rất nhiều. Chúng bới sâu, nghịch lá nhưng không mấy khi dám nghịch bậy gì phía nhà tưởng niệm liệt sĩ”, ông Bảng cho biết. “Cũng có những người đến thắp hương trước một vài việc quan trọng. Lúc đầu họ đến lúc tối thôi, sau đó đến cả ban ngày. Lần tôi bị xe đâm, tưởng chết mà như có người đỡ. Bò dậy cũng là lúc anh em bảo tàng gọi điện bảo ôi sao bát hương vừa hóa đến 3 lần. Ai bảo những chuyện tâm linh là không có thật”…

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.