Hằng năm, vào học kỳ 2, giáo viên thể dục các trường được giao nhiệm vụ thành lập và huấn luyện đội bóng để tham dự cuộc thi bóng đá dành cho học sinh do phòng giáo dục tổ chức.
Bí thư chi bộ, chủ tịch công đoàn, bí thư Đoàn trường đều yêu cầu hội phụ huynh học sinh ủng hộ kinh phí để nhà trường tham gia toàn bộ các hội thi, nếu không sẽ bị cắt thi đua. Hội nói đầu năm đến giờ đã chi tiền cho các cuộc thi nên thẳng thừng từ chối, nói để dành tiền cuối năm thưởng cho học sinh xuất sắc, tiên tiến... mong nhà trường thông cảm. Cuộc họp giải tán trong bế tắc nhưng hiệu trưởng thì cười. Ông nói “đã có cách”.
Hôm vào cuộc, đội bóng trường A. gặp đội bóng trường B. Trận đấu diễn ra rất “khó hiểu”. Cầu thủ đi bóng xuống đối diện cầu môn đội bạn. Rồi, một là đá ra ngoài, hai là đưa bóng cho hậu vệ đối phương, ba là dẫn bóng ngược về sân đội nhà, bốn là... lại đi bóng xuống cầu môn đội bạn. Và cứ thế. Đội nào quá nôn nóng... bại trận thì đá phản lưới nhà rất lộ liễu. Ngay lập tức, đội kia có pha chơi bóng bằng tay trong vùng cấm để “được” đối phương đá phạt đền. Với quyết tâm thua, có thủ môn đứng dang rộng hai chân cho bóng nhanh vào lưới.
Tất cả chỉ vì sợ... thắng. Vì nếu “lỡ” thắng, đội sẽ đi tiếp vào vòng trong. Rồi lại họp hành, giật gấu vá vai, thắt lưng buộc bụng, ngắt khoản này xén khoản kia để có tiền lên huyện đá tiếp. Có lần đội bóng nữ trận nào cũng thắng “oan”, vào đến chung kết rồi ôm luôn chức vô địch. Kết quả: được thưởng 300.000 đồng. Hậu quả: nợ 2 triệu!
“Tinh thần thể thao” như thế thường thấy đối với các trường nghèo, nhất là các trường miền núi, vùng sâu vùng xa.
Các phong trào trong học đường là cần thiết nhưng nên tập trung và gọn nhẹ. Đừng để hội phụ huynh ngán ngẩm hội thi. Và cũng đừng để trong nhà trường tồn tại... quan niệm “thao trường càng thua, nhà trường càng đỡ tốn”. Điều đó rất phi thể thao và phản giáo dục.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)