Nhưng một lần, tôi thử không ghét mấy ổng khi vừa làm mồi nhậu dưới bếp vừa lắng nghe họ nói gì mà say sưa thế.
Nói chuyện như đọc thơ !
Thử làm “AQ” với câu tự nhắc: “Thôi kệ, nhậu ở nhà còn hơn đi quán. Mấy ổng nhậu ở nhà mình còn kiểm soát được chứ đi quán biết đâu mà lần”, tôi có thêm “niềm vui và sức mạnh” để lui cui dưới bếp.
Bạn nhậu của chồng có một nhúm, làm đủ nghề: họa sĩ, bác sĩ, nhà báo, chủ quán cà phê, chủ thầu xây dựng và cả chú xe ôm đầu hẻm. Cả một xã hội thu nhỏ trong cuộc nhậu bạn bè, đồng hương. Khi tôi đem đĩa mồi đầu tiên lên, thăm hỏi mọi người vài câu, thử chờ nhận xét món ăn dù biết chắc là được khen (lấy lòng mà!) thì được mở lòng liền: “Nhậu đâu cho bằng nhậu nhà? Mồi ngon rượu ngọt có… bà cạnh bên!”. Cả nhóm cười tươi hùa theo khen mỗi người một câu càng mát ruột dữ!
Đem món thứ hai lên lại nghe họ nói đủ chuyện trời trăng mây nước, thế sự, xăng tăng, giá tăng. Họ nói cả chuyện nước nào đang đánh nhau, chuyện thử đi thử lại bom hạt nhân làm gì không biết... Sống, yêu thương nhau không hết, đánh nhau làm gì?
Đang nói chuyện chiến tranh họ chuyển sang phê bình mấy ông... đánh vợ! Họ “lôi” ông chồng trí thức mới bị bắt vì bạo hành vợ ra chê đủ điều. Ai cũng nói sao phải dùng vũ lực với vợ, hành hạ con! Vợ chồng, đến mức không chịu đựng được nhau nữa thì đường ai nấy đi. Có người nêu “sáng kiến”, khi hết duyên với nhau thì cứ… chuyển nhượng như cầu thủ bóng đá ấy! Chuyển nhượng giá cao vào, không “thằng” nào với tới, lại là vợ của mình! Anh họa sĩ (kiêm thi sĩ) kết luận bằng mấy câu nghe như ru cánh chị em: “Vì ta, vợ đã khổ nhiều/ Yêu chiều… bà ấy là điều đáng khen”...
Và hồn nhiên như... trẻ !
Đó là những chuyện mang tính thời sự còn khi mấy ông “trở về dòng sông tuổi thơ” với bạn bè, trường lớp, với mối tình đầu tiên còn hào hứng hơn nữa. Nghe tếu táo, dễ thương lắm. Có chút bia ngà ngà, mấy ông thể hiện đầy đủ bản tính của mỗi người. Tất cả đều hồn nhiên và không ai giống ai. Có anh đang uống tự dưng… rơi nước mắt khi nói về mối tình tan vỡ của mình. Theo anh này thì hồi đó, nếu mạnh dạn hơn, anh và cô người yêu đã “nên cơm nên cháo” chứ không chỉ dừng lại ở cái nắm tay ngậm ngùi. Có anh rượu vào lời ra. Nhưng có anh cứ im lặng nghe và gật gù như chiêm nghiệm điều gì ghê lắm.
Mấy ông bạn nhậu của chồng sẽ càng dễ thương hơn nữa khi uống sương sương chứ không say mềm. Hay chỉ đủ để... mang nhầm dép của nhau hôm sau có cớ đổi lại để tiếp tục uống trà (trà thôi nhé!) đàm đạo, tiếp tục nói chuyện thời sự thế giới.
Lúc “tiễn bạn” cũng vui! Mấy ông ôm vai bá cổ một hồi mới chịu chia tay. Vẫn là anh bạn họa sĩ “nói thơ” đã mang giày, chuẩn bị lên xe rồi còn quay lại nói với tôi: “Hôm nay em… được lắm. Không hề nhăn nhó gì suốt cả buổi tối bị tụi anh làm phiền. Em xứng đáng được anh đọc tặng mấy câu thơ anh viết ngày người yêu anh đi lấy chồng” (Trời, có liên quan gì đâu ta? Chỉ là khi say lại nhớ người cũ quá đây mà). Thế là anh đọc nào là buồn, là “tâm hồn hóa đá” từ ngày em về bên ấy… Nghe mà giận thay cho… vợ của ảnh!
Tất nhiên, nghe thơ xong, khi khách về hết, tôi hù chồng ngay tức khắc. Anh mà như thế, cứ nhậu vào là nhớ người yêu, tôi cắt… cơm! Làm thơ tặng “nó” thì kêu “nó” nấu cho mà ăn. Ai hầu hạ anh hả?...
Hương Cần
Bình luận (0)