|
m thầm chiếm lĩnh
Câu chuyện Công ty Nawaplastic Industries (Saraburi) chuyên sản xuất và phân phối ống nhựa PVC của Thái Lan vừa chính thức công bố trở thành cổ đông lớn (sau cổ đông nhà nước) tại Công ty CP nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) và Công ty CP nhựa Bình Minh (BMP) khiến những DN trong ngành không khỏi giật mình. NTP và BMP là hai DN lớn nhất trong ngành ống nhựa xây dựng của Việt Nam (VN).
Trước đây, sự phân chia thị trường khá rõ ràng với việc NTP chiếm lĩnh thị trường miền Bắc, còn BMP chi phối thị trường phía Nam. Saraburi vừa sản xuất sản phẩm tương đồng vừa là một trong những nhà cung cấp nguyên liệu cho hai DN này. Vì vậy, không khó để biết rằng mục đích của Saraburi sau thương vụ này là tìm cách thâm nhập thị trường VN. Saraburi cũng không giấu ý định xem xét nâng tỷ lệ sở hữu tại hai công ty trên lên đến mức tối đa là 49%.
Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, để xây dựng được một DN có thương hiệu và hệ thống phân phối rộng như NTP và BMP, nếu bỏ vốn trực tiếp cũng phải mất ít nhất 5-7 năm mới bắt đầu có kết quả. Trong khi đó, dù chính xác không biết được Saraburi đã bỏ ra bao nhiêu vốn nhưng hoạt động âm thầm thâu gom cổ phiếu của hai DN này chỉ diễn ra gần đây khi thị giá cổ phiếu giảm mạnh và thậm chí còn xoay quanh mức 30.000 đồng/CP.
Mới đây, câu chuyện Phở 24 được chuyển nhượng hoàn toàn cho Highlands Coffee trong khi Highlands Coffee đã bán 50% cho Jollibee - một tập đoàn bán lẻ của Philippines - cũng khiến giới đầu tư nhận định là nỗ lực thâm nhập mạnh vào thị trường VN của Jollibee. Hay câu chuyện tập đoàn SEB đầu tư nắm giữ 51% tại Công ty quạt VN với điều khoản cam kết trong tương lai, hệ thống tiêu thụ của Quạt VN sẽ bán thêm những sản phẩm điện gia dụng, dụng cụ nhà bếp... do chính SEB sản xuất.
Những câu chuyện hợp tác trên sẽ không có gì đáng nói nếu như không nhìn lại câu chuyện tại Công ty CP bánh kẹo Biên Hòa (Bibica). Sau khi Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc mua 4,6 triệu cổ phiếu của Bibica từ năm 2007 thì dần dần đã nắm giữ ngay hai vị trí chủ chốt là chủ tịch HĐQT và giám đốc tài chính. Thậm chí, tại đại hội cổ đông thường niên 2012, HĐQT dự kiến trình nội dung thay đổi tên công ty thành Công ty CP Lotte-Bibica nhưng do chưa thuận lợi nên việc này đang được tạm hoãn.
Tự vệ
Ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng Phân tích đầu tư Công ty chứng khoán Kim Eng VN - nhận định xu hướng âm thầm thu gom cổ phiếu của các DN ngoại đã diễn ra mạnh mẽ từ năm 2010 khi giá cổ phiếu trong nước giảm xuống thấp. Khi gom đủ lượng cần thiết để trở thành cổ đông lớn và tham gia vào HĐQT hay ban điều hành thì họ mới công bố chính thức. Không có quy định nào để hạn chế hoạt động này trên thị trường. Vì vậy, bản thân mỗi DN phải chủ động bảo vệ mình. Ví dụ, DN có thể chủ động tìm kiếm đối tác phù hợp để liên kết thông qua việc nắm giữ lượng lớn cổ phiếu của công ty, từ đó có thể hạn chế sự tham gia của những DN đối thủ mà bản thân DN không mong muốn.
TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - cũng cho rằng việc mua lại cổ phiếu của DN trong nước với mục tiêu thâm nhập thị trường hay để khai thác tài nguyên thiên nhiên là không có lợi về lâu dài cho nền kinh tế VN. Sau một thời gian đầu tư, các DN nước ngoài sẽ chuyển lợi nhuận về nước và khi đó VN sẽ mất đi một nguồn ngoại tệ khá lớn so với số vốn DN này đã chuyển vào để đầu tư. Bên cạnh đó, dần dần nhiều thương hiệu VN cũng biến mất và VN chỉ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của các thương hiệu nước ngoài.
Ông Chí phân tích: Cổ đông trong nước vẫn chiếm số lượng lớn tại các DN VN nhưng lại không đủ quyền quyết định. Tiềm lực tài chính của DN bị phân tán, manh mún nên rất dễ bị nước ngoài thâu tóm. Nếu VN có những quỹ đầu tư tập trung đủ mạnh và thu hút được lượng vốn nhà đầu tư cá nhân thì khi đó các DN hoạt động tốt, những ngành then chốt của VN không dễ bị nước ngoài thâu tóm hay xâm nhập nhanh chóng với giá rẻ mạnh như hiện nay.
Mai Phương
Bình luận (0)