Sáng kiến tiền tỉ

03/05/2012 03:55 GMT+7

Gần 3 tháng nghiên cứu, Nguyễn Việt Cường chế tạo thành công bộ giải nhiệt dầu sử dụng hệ thống nước làm mát gián tiếp, giúp công ty tiết kiệm gần 1 tỉ đồng đầu tư mua thiết bị mới.

Thành công này đưa Cường (29 tuổi) lên vị trí trưởng phòng cơ điện trẻ nhất tại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên.

Cường bắt tay chế tạo bộ giải nhiệt từ tháng 7.2010 trong thời điểm dây chuyền cán thép liên tục xảy ra sự cố quá nhiệt ở máy nén khí. Máy làm mát dầu nhập ngoại có cấu tạo từ hợp kim nhôm, khe tản nhiệt chỉ rộng chừng 1 mm. Trong quá trình vận hành, cặn dầu bẩn cộng thêm bụi bám trên các khe tản nhiệt khiến dầu máy nén khí khó lưu thông qua khe tản nhiệt của máy làm mát. Dầu không được làm mát khiến máy nén khí còn phát sinh thêm nhiệt là nguyên nhân chính dẫn đến các sự cố dây chuyền.

Mỗi lần máy gặp sự cố, thời gian khắc phục, sửa chữa mất đứt gần 2 ngày, đến khi đưa vào hoạt động trở lại, máy chạy phập phù, không ổn định. Giải pháp thuê đơn vị chuyên môn có kinh nghiệm sục rửa, vệ sinh cũng đã sử dụng nhưng không thành công, bởi máy làm mát nhập ngoại chế tạo từ hợp kim nhôm cũng không thể dùng chất tẩy rửa cực mạnh. Cường nhẩm tính: sau 16 lần máy làm mát “dở chứng”, sản lượng thép sụt giảm hơn 5.061 tấn.

Qua nghiên cứu, khảo sát, Cường mạnh dạn đề xuất giải pháp thiết kế và chế tạo bộ giải nhiệt dầu máy nén khí sử dụng hệ thống nước làm mát gián tiếp. Rút kinh nghiệm từ điểm yếu của các loại máy nhập ngoại, Cường tập trung nghiên cứu, tìm cách cải tiến bộ phận giải nhiệt. Theo đó, bộ giải nhiệt do Cường thiết kế sẽ tách làm 2 phần lõi và vỏ. Ống chứa nước làm mát hàn bằng ống thép không gỉ chia làm nhiều tầng, với độ lớn tiết diện khác nhau. Ống chứa nước làm mát sẽ chạy vòng quanh bên ngoài ống chứa dầu khiến nhiệt độ dầu giảm xuống đáng kế.

Sau nhiều lần chạy cải tiến, bộ thiết bị của Cường đã giữ nhiệt độ dầu máy nén khí dao động từ 80 - 85 độ, giúp dây chuyện vận hành ổn định. “Bộ thiết bị này sử dụng nguyên liệu sẵn có, dễ tìm tại Việt Nam. Tiết diện của ống tản nhiệt lớn, làm từ thép không gỉ nên dễ dàng vệ sinh, bảo dưỡng hay thay thế. Cộng cả thiết kế và thi công, mỗi bộ tản nhiệt này chỉ tốn 12 triệu đồng, trong khi máy làm mát nhập từ Đức, Ý thường không dưới 36.000 euro”, Cường tự hào cho biết. 

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.