Trong đó Thủ tướng xác định hơn 500 vụ khiếu kiện đông người, kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn chính trị, xã hội. Khiếu kiện thì ở đâu cũng có nhưng để khiếu kiện kéo dài, bức xúc đến như vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), dự án Khu đô thị thương mại Văn Giang (Hưng Yên), Khu công nghiệp Long Giang (Tiền Giang), khiếu nại của các hộ dân phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội)... thì rõ ràng là có vai trò của chính quyền, lỗi của những người trực tiếp hằng ngày tiếp xúc với dân, giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của dân.
Có đến 70% khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến đất đai. Và theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân cơ bản của tình trạng khiếu kiện diễn biến phức tạp là do hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ, đồng bộ và hay thay đổi; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng và thực hiện chính sách xã hội còn bộc lộ nhiều sơ hở yếu kém.
Song có một điều quan trọng nhưng có vẻ ít được đề cập, phân tích đấy là việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân rất chậm, đặc biệt ở chính quyền cơ sở, việc xử lý đơn thư vòng vèo khiến người dân mất niềm tin, đẩy khiếu nại vượt cấp tăng cao. Lâu nay các cơ quan chức năng thường chỉ áp dụng qui định “cấm khiếu nại vượt cấp” nhưng lại hầu như không tìm nguyên nhân của vấn đề bức xúc này. Hầu hết những vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài đều có điểm chung đó là chính quyền cơ sở đã có những việc làm khiến người dân không còn tin. Vụ Tiên Lãng (Hải Phòng) là một ví dụ. Cái sai của chính quyền rất dễ nhận ra, thế nhưng qua 2 cấp tòa án người dân vẫn không tìm được công lý, khiến người dân phản ứng thiếu kiềm chế. Vụ cưỡng chế đất đai gây xôn xao dư luận tại Văn Giang trong mấy ngày vừa qua có khác về bản chất, nhưng nó cũng xuất phát từ việc người dân mất lòng tin. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ nhận xét: “Trong vụ Văn Giang, mọi quy định luật pháp đều được chính quyền tôn trọng và đảm bảo ở mức cao. Nhưng tại sao dân vẫn khiếu kiện là bởi vì họ không có niềm tin rằng chính quyền làm đúng. Hơn nữa, về mặt luật pháp hiện cũng còn những điểm chưa lấp đầy. Đền bù cho dân hơn 100.000 đồng/m2, chủ đầu tư bán đất đô thị mấy chục triệu/m2 thì đúng là khó giải thích với họ”. Theo ông Võ, ở các nước, họ giải quyết mâu thuẫn này bằng cách, cho những người dân bị thu hồi đất được quyền góp vốn vào dự án, hoặc được phân một suất đất trong khu đô thị tương lai.
Sự bình yên của xã hội luôn được xây dựng trên cơ sở sự tin cậy của dân vào các cấp chính quyền gần dân nhất. Lòng dân không bao giờ mua được mà chỉ có thể đổi được bằng chữ "tín" của chính quyền.
An Nguyên
Bình luận (0)