Theo đó, căn cứ kết quả xác minh thực địa của đoàn công tác thì có đến 3 cây huê nằm sát nhau, vị trí cách biên giới Việt - Lào khoảng 20 km. Hiện khu vực đó không còn gỗ huê cũng như rễ và cành, vì huê rất giá trị nên rễ cũng bị đào bới tận gốc tạo nên 3 cái hố khá lớn; xác minh được huê là nhờ một số vỏ cây và bai (mảnh gỗ mỏng văng ra khi cưa và chặt cây).
Theo ông Thành, biện pháp hiện tại là phối hợp với các ban ngành chốt chặn, siết chặt vòng ngoài để phát hiện những hành vi vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép và vận động người dân không vào rừng. Tuy nhiên, từ khi có tin đồn cho đến nay vẫn chưa phát hiện và giữ được một trường hợp nào gùi, vận chuyển gỗ huê.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin vụ việc, chúng tôi luôn gặp sự né tránh của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cũng như Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Thậm chí đến thời điểm này vẫn không thể liên lạc được với một số cán bộ tham gia đoàn kiểm tra trong rừng.
Chiều 2.5, chúng tôi đã trực tiếp gặp Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài, nhưng ông Hoài từ chối cung cấp bản báo cáo của Ban Quản lý vườn quốc gia và hẹn khi khác vì bận họp. Trước đó, trong cuộc họp ngày 22.4, ông Hoài kết luận: Để xảy ra sự việc nhiều người dân vào rừng tự do, trước hết là trách nhiệm của Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đơn vị chủ rừng không làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trong lâm phận được giao, thiếu trách nhiệm, thiếu sự phối hợp với chính quyền sở tại và người dân địa phương nên chậm nắm bắt thông tin, không có phương án ngăn chặn kịp thời để cho người dân vào rừng với số lượng lớn. Khi nắm được thông tin có người khai thác gỗ huê thì lúng túng trong xử lý; không kịp thời báo cáo tình hình cho UBND tỉnh và các cơ quan liên quan để cùng phối hợp, ngăn chặn.
Trương Quang Nam
Bình luận (0)