Văn bản ngày 27.4 nêu rõ: lãnh đạo UBND tỉnh, giám đốc các sở, ngành, trưởng các ban, chủ tịch các huyện, thị xã trong tỉnh thực hiện và quán triệt đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức, viên chức trong ngành, địa phương, tuyệt đối không chỉ đạo, trao đổi, báo cáo, xử lý công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương bằng tin nhắn qua điện thoại. Những tin nhắn như vậy đều không có giá trị.
Mục đích của quy định này nhằm tránh tình trạng giả mạo số máy di động của lãnh đạo để xử lý công việc. Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 3.5, Chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, ông Ngô Ngọc Sinh khẳng định: “Hiện chưa có trường hợp lãnh đạo nào bị giả mạo số máy để nhắn tin. Nhưng hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển quá nhanh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nên văn bản này có tính chất phòng ngừa. Còn việc gọi điện thoại để báo cáo, xử lý công việc thì vẫn bình thường”.
Ông Trần Ngọc Nhung, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Gia Lai, khẳng định có phần mềm giả số điện thoại để có thể mạo danh trong sử dụng tin nhắn. Tuy nhiên, ông này cũng nhìn nhận chưa ghi nhận được trường hợp nào bị giả số như vậy trên địa bàn tỉnh.
Lâu nay, việc sử dụng tin nhắn chưa bao giờ được công nhận là phương tiện chính thức trong xử lý công vụ nhưng cũng không thể phủ nhận sự tiện lợi mà nó đem lại. Chị H., cán bộ công tác tại một bệnh viện ở TP.Pleiku, nói: “Với chủ trương như thế, chẳng hạn người dưới quyền muốn báo cáo công việc bằng tin nhắn với lãnh đạo của mình trong lúc họ đang họp, thì cũng không có giá trị. Tôi đồng ý ngăn chặn việc giả mạo tin nhắn là không sai, nhưng trong một phạm vi công việc nhất định hoặc trong những trường hợp nhất định, có khi tin nhắn cũng hữu dụng”.
Được biết, nhiều địa phương khác trong nước hiện vẫn chưa có văn bản nào cấm sử dụng nhắn tin trong xử lý công việc như tỉnh Gia Lai.
Trần Hiếu
Bình luận (0)