>> “Loạn” phiên âm
>> Y-éc-xanh là ai?
>> Giới ngôn ngữ học bức xúc
>> Hậu quả nghiêm trọng
Vấn đề phiên âm, cho đến thời điểm này rõ ràng làm theo cách nào cũng rơi vào tình trạng “được cái này thì mất cái kia”, được phần nhìn thì mất phần nghe hoặc ngược lại. Chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng đúng như loạt bài mà Báo Thanh Niên đã đề cập.
Có ý kiến cho rằng với những tên riêng của những nước có hệ chữ Latin thì nên để nguyên gốc, nhưng tôi cho rằng chỉ có thể làm được với tiếng Anh, còn một loạt các nước khác cũng dùng hệ chữ Latin như tiếng Ý, Đức, Tây Ban Nha... nếu để nguyên gốc mà không kèm theo phiên âm thì học sinh sẽ không thể nào đọc nổi, vì hầu hết các em không được học thứ tiếng đó.
|
Theo đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân thì đến năm 2020 mới có gần 100% học sinh được học ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3, và đề án cũng mới chỉ tập trung vào dạy và học tiếng Anh chứ chưa có các thứ tiếng khác. Nếu có thì sau đó cũng chỉ triển khai đến tiếng Trung Quốc, Pháp, Nhật.
Chính vì vậy, ý kiến của cá nhân tôi thì riêng tiếng Anh có thể sử dụng nguyên gốc, còn những ngôn ngữ nước ngoài khác khi buộc phải dùng trong sách giáo khoa (SGK) thì vẫn phải phiên âm và phiên âm theo cách đọc của người bản ngữ. Ví dụ, tiếng Nga thì phiên âm theo cách đọc của người Nga, tiếng Trung Quốc phiên âm theo cách đọc của người Trung Quốc...
Công việc này trong thời gian tới khi đổi mới chương trình SGK chắc chắn sẽ phải được Bộ GD-ĐT và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (nơi có nhiệm vụ xây dựng chương trình, SGK) quan tâm đúng mức và có sự thống nhất trong tất cả các loại SGK về cách phiên âm.
Muốn làm được việc đó, Ban Soạn thảo sách sẽ phải có sự trao đổi và thống nhất giữa các chuyên gia giáo dục, ngôn ngữ và cả các chuyên gia về văn hóa, xã hội để đưa ra một cách thức phù hợp nhất.
Tôi cũng đề nghị ngành ngôn ngữ cần xây dựng một cuốn từ điển về cách phát âm các thứ tiếng để mọi đối tượng khi cần có thể tham khảo và sử dụng. Có như vậy mới có một chuẩn mực nhất định.
Ý kiến Loạt bài “Loạn” phiên âm nhận được hàng trăm ý kiến của độc giả với nhiều quan điểm, nhưng đa số ủng hộ cách đặt vấn đề của Báo Thanh Niên. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến:* Dù đã muộn nhưng muộn còn hơn không làm gì. Tôi đã từng vất vả để giảng giải cho con gái đang học lớp 5 về những từ phiên âm và cả cha lẫn con đều đi lạc trong “rừng phiên âm” mà không tìm được lối ra. (longanhdl2008@yahoo.com.vn) * Việc thống nhất cách phiên âm là cần thiết, nhưng không thể làm đại theo một cách nào đó. Nó phải bảo đảm mọi người Việt Nam đều tiếp cận mọi tài liệu viết bằng tiếng Việt theo tất cả các ngả thông tin xem, đọc, nghe... Cần có sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân vì tiếng nói, chữ viết là tài nguyên chung của mỗi quốc gia. (quangvinhemico@gmail.com) * Nếu là phiên âm thì phải đồng nhất, theo quy định chung của một nước, đằng này mỗi người, mỗi báo lại có cách phiên âm khác nhau thì không thể chấp nhận được. Chưa kể đọc từ đó có khi không ai hiểu đó là từ gì. Theo tôi, tên một quốc gia, tên một người là danh từ riêng không cần phải phiên âm ra làm gì làm sai nghĩa của từ đó. (huyendien@gmail.com) * Tôi thấy tên riêng nước ngoài nên để nguyên gốc nếu là tiếng Latin, tuy nhiên nên phiên âm cách đọc để người đọc có thể đọc đúng tương đối (nếu có cả phiên âm quốc tế thì tốt hơn nữa). Sách giáo khoa bắt buộc phải có danh mục tên riêng nước ngoài. (ldsy.gli@vnpt.vn) Thanh Niên |
Tuệ Nguyễn (ghi)
Bình luận (0)