Chủ đại lý vé số tốt bụng

07/05/2012 03:23 GMT+7

Cơn mưa đầu mùa trút nước ào ạt. Chúng tôi căng mắt bám theo người đàn ông chạy chiếc xe gắn máy cà tàng đến những khu trọ để giao vé số cho người khuyết tật.

Vẻ bề ngoài lam lũ khiến nhiều người lầm tưởng ông hành nghề xe ôm hoặc giao vé thuê. Nhưng không, ông là chủ một đại lý vé số.

Tự nguyện gánh “cục khổ”

Chúng tôi thắc mắc: “Sao ông không để người ta tự tìm đến đại lý cho đỡ nhọc công lại bớt hao xăng?”. Ông Lê Văn Thành, đồng chủ nhân đại lý vé số kiêm dịch vụ giặt ủi Thu Như trên đường Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM (cùng với vợ là Nguyễn Thị Thu Như), giải thích: “Họ toàn là những người mù hay người bị liệt chân tay, đi lại rất khó khăn. Vì vậy, mình câu nệ làm gì”. Mỗi ngày, có ít nhất hai bận ông Thành chạy tới chạy lui những khu trọ: lần đầu là lúc 2 giờ 30 chiều để thu tiền và số vé tồn; lần sau lúc 5 giờ chiều để giao vé mới.

Tại một khu trọ chật chội trên Huỳnh Mẫn Đạt (P.1, Q.5), chúng tôi gặp anh Phan Hồng Quế (33 tuổi, quê Phú Yên, bị teo cơ chân phải) mới đi bán vé số trở về. Anh Quế trả lại ông Thành xấp vé 70 tờ. Ông gật đầu kèm nụ cười hiền. Giao dịch giữa hai người gần như diễn ra trong im lặng bởi ông Thành khá kiệm lời.

 Chủ đại lý vé số tốt bụng
Ông Lê Văn Thành (phải) giao vé số cho người khiếm thị tại đại lý - Ảnh: Như Lịch

Quế cho hay anh nhận vé từ đại lý Thu Như hơn 1 năm nay, với mức thù lao được hưởng là 1.200 đồng/tờ bán ra. “Chủ này rất dễ chịu! Trong khi nhiều đại lý khác khi giao vé là lấy tiền tươi sòng phẳng thì ở đây, tụi tui không phải trả trước một đồng nào và cũng không cần đưa giấy tờ thế chân” - anh Quế nhận xét. Một thanh niên mù góp chuyện: “Nhiều bữa bán ế hay gặp trời mưa bão, tụi tui thường trả lại nhiều vé. Đặc biệt, mấy hôm đi nhận gạo từ thiện hoặc kẹt việc đột xuất, tụi tui gọi chú Thành đến phòng trọ để trả lại nguyên cọc vé. Thiệt tình, tui chưa bao giờ nghe chú chửi mắng hay càm ràm. Ngược lại, có lúc chú còn cố gắng tìm chuyện tiếu lâm nói cho tụi tui đỡ rầu”.

 

Những năm gần đây, ông bà Thành - Như đã tham dự ít nhất 5 đám cưới của những người khiếm thị bán vé số. Trong đó có những đám cưới, ông bà cho cô dâu - chú rể mượn một khoản tiền để tổ chức. Theo một số người mù, ông bà không những nhiệt tình đến chia vui với người nghèo mà còn thường gửi tiền mừng khá “dày” - bình quân 1 triệu đồng/đám cưới.

Theo thỏa thuận, thời gian trả vé tồn cho đại lý phải trước 3 giờ chiều mỗi ngày. Thế nhưng trên thực tế, có những lần sát giờ xổ số, ông Thành chủ động mở lời nhận lại số vé thừa dù ông biết rõ như vậy là gánh “cục khổ” về phía mình (đại lý ông phải bù lỗ hoặc bị cắt giảm số vé cung cấp do bán không đạt chỉ tiêu...).

Đã tin, cần chi thế chấp!

Thạch “gà” - một thanh niên khiếm thị 27 tuổi (quê Ninh Thuận), cho biết anh đã lấy vé số tại đại lý Thu Như suốt 3 năm qua. Ở trọ tận Hóc Môn nhưng địa bàn Thạch “gà” hay đi bán là đường Đoàn Văn Bơ, Q.4. Anh Thạch bộc bạch: “Người mù bán vé số gặp nhiều rủi ro, dễ bị những kẻ bất lương tráo vé cũ lấy vé mới hoặc giựt vé chạy mất... Riêng bản thân tui đã mất tổng cộng hơn 250 tờ. Cũng may, chủ đại lý không bắt đền một lần mà cho tụi tui trả góp không tính lời. Mình góp bao nhiêu thì tùy, mỗi ngày 5 ngàn đồng cũng được”. Thạch “gà” cũng khẳng định tất cả trên 25 người hằng ngày đang lấy vé số ở đại lý này (khoảng 15 người khuyết tật và hơn 10 người lành lặn) đều không cần phải trả tiền trước, miễn sao có ai đó giới thiệu.

Trước những lời e ngại: “Bộ không sợ người ta cầm vé đi luôn à?”, bà Thu Như khẳng khái: “Làm ăn lâu dài, sòng phẳng thì phải tin tưởng nhau, cần chi ba cái giấy tờ hay tiền bạc thế chấp. Trước nay, cũng đã có vài đứa ẵm cọc vé mấy triệu đồng của tụi tui rồi bỏ đi luôn nhưng số đó không nhiều”. Đối với những người mù báo bị mất vé và xin trả góp nhỏ giọt, bà Như quả quyết: “Tụi tui không bao giờ nghĩ là họ dựng chuyện lên để nói. Có khi gặp trường hợp khó khăn quá không trả góp nổi, tụi tui cũng đành xí xóa cho họ luôn. Nhưng tui quan niệm là một khi chấp nhận làm ăn lâu dài thì không nên cho không người ta hoài, vì như vậy tụi tui sẽ nhanh chóng bị cụt vốn trong khi những người kia dễ ỷ lại”. Mặc dù mạnh miệng tuyên bố “tẩy chay” những người cuỗm vé bỏ đi, thế nhưng khi họ trở về năn nỉ, bà Như và người chồng tiếp tục tạo điều kiện cho họ mưu sinh như chưa hề xảy ra chuyện gì.

Như Lịch      

>> Lừa lấy vé số của người già
>> Người bán vé số “chê” 6,6 tỉ đồng
>> Scan vé số trúng thật để lấy tiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.