Xu hướng ebook có bản quyền

06/05/2012 11:51 GMT+7

Thị trường sách số đang có chiều hướng ấm dần lên với sự nhập cuộc của nhiều đơn vị làm sách. Dù chưa thể kỳ vọng vào doanh thu, các nhà cung cấp ebook vẫn tin vào tương lai.

Cách đây khoảng một năm, ebook có bản quyền chỉ mới xuất hiện trên website Reader.vn với số lượng tương đối khiêm tốn. Sự xuất hiện của Alezaa.com đã góp phần đáng kể vào việc quảng bá cho ebook có bản quyền. Mới đây nhất, vào cuối tháng 4-2012, Công ty Văn hóa Phương Nam ra mắt nhà sách ebook. Trong năm nay còn có thêm ít nhất 2 đơn vị tham gia thị trường sách số là Nhà Xuất bản (NXB) Trẻ và Vinabook.

Sống bằng niềm tin

Hầu như các đơn vị đang và chuẩn bị tham gia thị trường ebook có bản quyền đều xác định rõ con đường chông gai sẽ phải nếm trải khi ebook không có bản quyền được cung cấp miễn phí hay thu phí rất thấp đang tràn lan trên mạng. Để có được hệ thống bán ebook có bản quyền đòi hỏi nhà cung cấp phải đầu tư lớn cho hạ tầng công nghệ, đặc biệt là ở khâu mã hóa file ebook bán ra để tránh bị sao chép.

 Xu hướng ebook có bản quyền
Gian hàng giới thiệu ebook của NXB Trẻ tại Hội sách TPHCM lần 7 thu hút nhiều bạn đọc quan tâm tìm hiểu - Ảnh: Tuấn Anh

Trong 3 đơn vị tham gia thị trường ebook có bản quyền, chỉ có Alezaa.com là có ứng dụng mã hóa, còn Reader và Phương Nam vẫn cung cấp dạng file không mã hóa và trông cậy vào ý thức tuân thủ bản quyền của người mua (không phát tán sau khi mua). Trong khi đó, vài tuần sau khi tung ra thị trường, ebook của Alezaa đã bị bẻ khóa phiên bản đọc online trên trình duyệt web khiến đơn vị này phải tốn nhiều công sức khắc phục.

 

Thị trường đầy hứa hẹn

Thị trường ebook trên thế giới đã hình thành từ năm 2006 nhưng phát triển khá chậm chạp. Chỉ sau khi máy tính bảng (tablet, đặc biệt là iPad) xuất hiện, nhu cầu ebook mới tăng vọt từ năm 2011 với doanh số 3,2 tỉ USD và dự báo sẽ đạt doanh số gần 10 tỉ USD vào năm 2016 (số liệu của Juniper Research). Năm 2011 đã có 70 triệu tablet được bán ra trên toàn cầu.

Khảo sát năm 2011 của Pew Research Center và The Economist Group cho thấy tại Mỹ hiện có đến 36% người sở hữu tablet đọc ebook nhiều hơn sách giấy. Năm 2011, lần đầu tiên số lượng ebook bán ra của Amazon cao hơn sách in với tỉ lệ 180 ebook/100 sách in bán ra.

Tham gia thị trường chậm hơn, NXB Trẻ hướng đến việc cung cấp tối đa tiện ích cho người đọc, ebook của NXB Trẻ có nhiều tính năng như tìm kiếm theo từ khóa, đánh dấu trang (bookmark), ghi chú (note, highlight). Một số đầu sách còn được bổ sung rich media (hình ảnh, âm thanh, video) để người đọc tương tác trực tiếp trên sách khi đọc như bấm vào để xem slide ảnh, video, nghe nhạc. Hiện Trung tâm Sách điện tử của NXB Trẻ đã hoàn tất giai đoạn xây dựng hạ tầng công nghệ mã hóa ebook, chuẩn bị đi vào hoạt động, có khả năng cung cấp hàng chục ngàn đầu sách số ra thị trường.

Một hạn chế khác của các đơn vị bán ebook có bản quyền là số lượng sách còn hạn chế. Trong giai đoạn ra mắt, Phương Nam chỉ có 28 đầu ebook, Reader được vài trăm, nhiều nhất là Alezaa cũng không quá 2.000. Số lượng ít, chủng loại không phong phú cũng là nguyên nhân chính khiến thị trường ebook ảm đạm. Nhìn chung, các đơn vị cung cấp ebook có bản quyền đang sống bằng niềm tin chứ doanh thu trong giai đoạn trước mắt chưa thể bù đắp chi phí đầu tư. Họ hy vọng tương lai không xa ebook có bản quyền sẽ thắng thế trên thị trường sách Việt Nam, bởi đó cũng là xu thế của thế giới.

Cạnh tranh bằng chất lượng

Theo ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Sách điện tử của NXB Trẻ, NXB Trẻ không gọi là ebook lậu, ebook trái phép hay ebook vi phạm bản quyền mà chỉ xem đó là “ebook chưa có bản quyền”. Ông Việt tin rằng đại đa số người đọc ebook chưa có bản quyền vì hiện nay chưa có nguồn ebook có bản quyền nào đủ phong phú về số lượng và thể loại đáp ứng được nhu cầu đọc của cộng đồng này. Khi nào nguồn ebook có bản quyền vừa phong phú về số lượng, thể loại và giá cả hợp lý thì người đọc sẽ chuyển sang sử dụng nhiều hơn, thay thế dần cho việc sử dụng ebook chưa có bản quyền là điều tất yếu.

Anh Quang Thảo, một người thường xuyên đọc ebook, cho rằng cộng đồng người đọc ebook đã hình thành vài năm nay nhưng không có nguồn cung cấp ebook có bản quyền cho họ nên họ phải tìm đến nguồn sách chưa có bản quyền. Còn chị Hồng Minh, cho rằng người đọc sách phần đông đều rất trân trọng và quý mến những tác giả mà họ yêu thích. Việc dùng ebook có bản quyền là cách giúp tác giả và NXB có thêm thu nhập để tái đầu tư sản xuất. Nhưng hiện tại, muốn mua ebook có bản quyền của tác giả mình yêu thích đâu có dễ dàng, thậm chí là bất khả thi.

Các nhà cung cấp ebook đều có niềm tin rằng ebook có bản quyền bảo đảm nội dung chính xác, không bị sai sót, hình thức bảo đảm rõ nét, trình bày đẹp, có thêm nhiều tiện ích thì người đọc sẽ không quay lưng với họ. Ngoài ra, việc quản lý ebook có bản quyền cũng thuận tiện, người dùng sau khi đã mua sẽ được cấp một tài khoản (account) dùng trọn đời, họ không cần quan tâm đến việc lưu trữ trên máy tính cá nhân vì khi đăng nhập, danh mục ebook đã mua sẽ xuất hiện đầy đủ với nhiều tiện ích giúp quản lý, phân loại, tìm kiếm dễ dàng. Trong khi đó, sách chưa có bản quyền phần lớn chỉ là một file dạng file ảnh, thiếu các tiện ích nói trên và nếu thông tin có sai sót thì cũng không có ai kiểm tra được. Hy vọng rằng với những ưu thế nổi trội của mình, các đơn vị làm ebook có bản quyền sẽ là những vệt dầu loang lấn dần vào thị trường ebook không có bản quyền.

Theo Người Lao Động

>> Nhà sách trên mạng thành mớ bung xung
>> Thư viện giáo trình điện tử
>> Thời của E-book?
>> Hội chợ sách lớn nhất thế giới khai mạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.