>> Lo ngại chất lượng liên thông
Thi chung với chính quy ?
|
Nhận thấy chất lượng của chương trình liên thông có vấn đề nên Bộ GD-ĐT đang tính đến việc sẽ siết chặt hệ này bằng kỳ tuyển sinh đầu vào chung với thí sinh hệ chính quy.
Đầu năm 2012, Bộ đưa ra dự thảo quy định đào tạo liên thông: “Các thí sinh dự thi hệ liên thông phải tham dự cùng kỳ thi tuyển sinh ĐH hệ chính quy theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hiện hành theo các khối ngành đăng ký dự thi”. Tuy nhiên, dự thảo này không nhận được sự ủng hộ bởi không thực tiễn.
Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM nhận định: “Không thể gộp với kỳ thi tuyển sinh chung được vì chương trình học của sinh viên (SV) liên thông CĐ kết thúc vào tháng 10 hằng năm, trong khi kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ rơi vào tháng 7. Hơn nữa, từ trước tới nay SV liên thông phải thi 2 môn cơ sở và chuyên ngành, tôi cho là khá quan trọng để đánh giá năng lực nếu SV đó muốn học lên bậc học cao hơn. Còn nếu phải thi các môn văn hóa ở các khối A, B, C, D thì SV lại phải quay về ôn thi từ đầu những kiến thức có thể đã quên từ lâu và điều này là không cần thiết”.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết dự thảo này sai với những quy định trong Quyết định 06/2008 của Bộ GD-ĐT về các môn thi liên thông. Trong khi đó, thạc sĩ Phan Bửu Toàn - Phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn - nêu quan điểm: “Nếu thi các môn giống như học sinh phổ thông thì chắc chắn SV tốt nghiệp TC-CĐ nghề không thi được. Hơn nữa nó cũng không đánh giá được gì. Nếu thi chung thì chỉ chung ngày chứ đề thi không thể chung được và kết quả cũng đâu thể dùng chung. Tốt nhất là vẫn tổ chức thi riêng với một môn chuyên ngành và một môn lý thuyết cơ sở”.
Các trường tự chịu trách nhiệm
|
Lãnh đạo của rất nhiều trường ĐH-CĐ, trong đó có các trường nghề, đều cho rằng thi đầu vào để kiểm tra năng lực là việc làm cần thiết. Thế nhưng không nhất thiết phải tổ chức thi chung với thí sinh dự thi ĐH-CĐ. Chất lượng của các khóa học liên thông phụ thuộc vào rất nhiều thứ, chứ không phải chỉ ở một kỳ thi đầu vào.
Thạc sĩ Phan Bửu Toàn bức xúc: “Trường nào liên thông, trường đó tổ chức thi và đào tạo, trên quan điểm tự chịu trách nhiệm. Trường phải quản lý việc thi, việc học ra sao; nghiêm túc hay lỏng lẻo là do trường. Thi đầu vào mà gắt gao nhưng quá trình đào tạo lại dễ dãi, qua quýt, không có ai giám sát kiểm tra thì cũng không giải quyết được vấn đề. Cuối cùng thì đầu ra cũng sàn sàn như nhau”. Ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM - cũng cho rằng: “Bộ giao các trường tự chịu trách nhiệm và phải có bộ phận giám sát kiểm tra xử lý thật nghiêm túc những trường vi phạm. Tuy nhiên có lẽ Bộ làm không xuể công việc này. Do đó quan trọng nhất vẫn là các trường phải tự chịu trách nhiệm vì đó là uy tín, thương hiệu của mình”.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho rằng việc siết chặt đầu vào liên thông bằng kỳ thi chung chưa chắc đã nâng cao chất lượng. “Bộ nên để các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh liên thông, các trường phải có trách nhiệm giải trình, báo cáo trung thực. Nhưng hiện nay Bộ cũng chưa có cách hiệu quả để kiểm tra quyền tự chủ của các trường. Vấn đề là không phải chỉ đi thanh tra, giám sát mà còn cần tăng cường kiểm định chất lượng các hệ đào tạo. Trường nào tổ chức liên thông sai quy định, thiếu nghiêm túc cần xử phạt nặng, chẳng hạn cắt chỉ tiêu, phạt tiền thích đáng” - ông Dũng đề xuất.
Mỹ Quyên
>> Bộ GD-ĐT lại “xé rào”
>> Bát nháo đào tạo liên thông
>> Hủy kết quả kỳ thi liên thông nhiều sai phạm
>> Loạn đào tạo ngành nghề
>> Lập lờ chương trình “cao đẳng thực hành”
>> Cơ hội nào cho thí sinh rớt nguyện vọng 2?
>> “Loạn” phiên âm
>> Lỗ hổng miễn học phí sư phạm
Bình luận (0)