Viêm não do virus Herpes tấn công trẻ em

08/05/2012 09:08 GMT+7

Mùa hè là thời điểm xuất hiện các bệnh viêm não, nhưng nguy hiểm nhất phải kể đến viêm não do virus herpes. Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) từ đầu mùa hè đến nay đã điều trị cho 14 bệnh nhi nhiễm virus herpes. Một cháu đã tử vong.

Điều trị muộn, di chứng nặng

Tại khu vực cách ly của Khoa Truyền nhiễm, bệnh nhi Nguyễn Việt Nhật (6 tháng tuổi, quê huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) nằm ly bì trên giường, tiếng thở mệt nhọc, nước da trắng xanh, mắt nhắm nghiền.

Đôi lúc người mẹ cất tiếng gọi nhưng bé Nhật chỉ mở mắt nhìn vô cảm. Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, điều trị trực tiếp cho bé Nhật cho hay, bệnh nhi này là điển hình của viêm não do virus herpes, nhập viện từ 12-4 trong tình trạng sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, co giật, hôn mê.

Trước đó khi thấy con sốt cao, chị Hoàng Thị Út, mẹ bệnh nhi đã đưa con lên bệnh viện huyện, rồi bệnh viện tỉnh, sau cùng các bác sĩ tỉnh chuyển bé lên tuyến trung ương vì chẩn đoán viêm não nặng không rõ căn nguyên.

Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) xét nghiệm dịch não tủy cho thấy bệnh nhi Nhật bị viêm não do virus herpes. Sau 5 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã thoát khỏi hôn mê.

Đến nay về cơ bản bệnh nhi đã khỏi bệnh viêm não do virus herpes, nhưng di chứng để lại khá nặng nề.

Bác sĩ Nga cho hay bé Việt Nhật mang di chứng tinh thần (có phản xạ đáp ứng với mọi người xung quanh nhưng không linh hoạt, không tương tác với người đối diện, vô cảm) và di chứng vận động với biểu hiện yếu hai chân.

Hôm nay bệnh nhi Nhật được chuyển đến Bệnh viện Châm cứu T.Ư để tập phục hồi chức năng trong ít nhất là 6 tháng để có thể cải thiện tình trạng vận động hai chân.

Trước đó một bệnh nhi đã tử vong do virus herpes. Nhập Bệnh viện Nhi T.Ư sau khi điều trị 2 ngày tại bệnh viện tỉnh với triệu chứng sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt vẫn không đỡ dẫn tới hôn mê, co giật nửa người bên trái.

Bệnh nhi này tử vong do đến bệnh viện ở giai đoạn muộn (sau ngày thứ 5 kể từ khi khởi bệnh) của bệnh viêm não do virus herpes.

Trẻ bị viêm não virus herpes trong thời gian qua ở Bệnh viện Nhi T.Ư ở trong độ tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi. Năm 2011 có khoảng 50 bệnh nhi bị bệnh này với 3 trường hợp tử vong.

Hơn 40 bệnh nhi mặc dù được chữa khỏi bệnh nhưng nhiều trẻ chịu di chứng nặng nề như nằm yên một chỗ không biết gì, người liên tục co giật hoặc co cứng cơ.

Chưa có vaccine phòng

Th.s, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết virus herpes là một trong nhiều tác nhân gây viêm não khá phổ biến. Bệnh xảy ra rải rác, không thành dịch, thường diễn tiến nặng, gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng khiến trẻ khó thích nghi với cuộc sống sau này.

Virus xâm nhập cơ thể con người qua đường niêm mạc mũi - hô hấp. Sau đó nó sẽ trực tiếp đến não, gây viêm não, ảnh hưởng đến toàn bộ não nhưng có khuynh hướng gây tổn thương nhiều ở vùng thuỳ trán, đặc biệt là thuỳ thái dương.

Bác sĩ Hải khuyến cáo rối loạn tri giác, sốt và co giật khu trú là những dấu hiệu đầu tiên thường được ghi nhận.

Trẻ lớn thường có thêm các triệu chứng nhức đầu, thay đổi tính tình. Ngoài ra trẻ còn có những biểu hiện khác có thể gặp là nôn ói, hay quên.

Khoảng 30-60% bệnh nhân không điều trị thuốc đặc hiệu sẽ diễn tiến đến tử vong. Nếu phát hiện sớm, điều trị bằng thuốc đặc hiệu ngay thì có thể cứu sống được trên 60% số trẻ mắc bệnh và tỷ lệ di chứng cũng ít hơn.

Ở những trường hợp sống sót, bệnh nhân từ từ tỉnh lại, nhưng vẫn còn rối loạn tâm thần và tổn thương thần kinh kéo dài.

Di chứng thường gặp là có những động tác bất thường, yếu liệt chi, gồng vặn người từng cơn, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, nói khó hoặc không nói được, không viết được, rối loạn chức năng trí tuệ nhiều mức độ.

Theo bác sĩ Nga, những di chứng tinh thần, vận động làm cho trẻ khó có được đời sống như những trẻ bình thường, là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.

Bác sĩ Nga cho biết hiện nay, viêm não do virus herpes là bệnh viêm não virus duy nhất có thuốc đặc trị, đó là acyclovir. Ngoài ra, trẻ cần được hạ nhiệt, chống co giật, phù não, điều chỉnh rối loạn nước và điện giải, dinh dưỡng đầy đủ.

Vật lý trị liệu cần được tiến hành sớm khi trẻ ổn định lâm sàng hoặc khi phát hiện có di chứng. Bệnh nhân cần được tiếp tục theo dõi sau khi xuất viện để phát hiện di chứng não.

Theo bác sĩ Hải, do đây là bệnh chưa có vaccine phòng bệnh nên biện pháp ngừa bệnh tốt nhất vẫn là ăn uống hợp vệ sinh, giữ sạch mũi họng cho trẻ. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao, buồn nôn, nôn khan, co giật một bên tay hoặc chân, co giật nửa người cần đi khám ngay tại cơ sở y tế.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.