Nhiều năm qua, các nhà địa chất học luôn đau đầu trước một hiện tượng bí ẩn trên bờ biển hoang vắng thuộc nhóm đảo Aran của Ireland: những tảng đá tự di chuyển.
Đá cuội nhỏ lăn đi dưới tác động của gió biển hoặc mặt đất rung chuyển do địa chấn là chuyện bình thường, nhưng đây lại là những tảng đá kích thước khổng lồ, theo ghi nhận của trưởng nhóm Rónadh Cox của Đại học Williams thuộc bang Massachusetts (Mỹ). Một trong những khối đá mà nhóm đang nghiên cứu nặng đến 78 tấn, đáng lẽ ra phải chôn chân tại chỗ bất chấp thời gian, nhưng trên thực tế lại di chuyển sâu vào đất liền từ vị trí ban đầu cách mặt nước biển 10 m.
|
Bàn tay bí mật nào đã hất bay vô số khối đá nặng nề như vậy từ vách đá bên dưới và ném chúng vào đất liền? Trong khi một số nhà khoa học cho rằng chỉ có sóng thần mới đẩy nổi những tảng đá này, kết quả nghiên cứu mới đăng trên chuyên san The Journal of Geology phát hiện sóng biển cùng với sự hỗ trợ của vài cơn bão mạnh đã làm được điều đó. Và hiện các cơn sóng vẫn miệt mài với công việc khó nhọc trên. Để rút ra kết luận trên, đội ngũ chuyên gia so sánh ảnh chụp từ trên cao của nơi này với các bản đồ chi tiết từ năm 1839 nhằm xác định vị trí của các dãy đá, tức gần 100 năm sau đợt sóng thần gần nhất giáng xuống nơi này, tức vào năm 1755. Kết quả so sánh cho thấy các tảng đá nặng nề di chuyển hướng về đất liền trung bình khoảng 3 m trong vòng 10 năm. Bên cạnh đó, họ sử dụng biện pháp đo đồng vị carbon để xác định thời điểm các con hàu nhỏ xíu ẩn mình trong các kẽ nứt trên những tảng đá bị bứt khỏi môi trường biển cả và quẳng lên bờ.
Chuyên gia Cox khẳng định trong trường hợp này chính sóng biển mới là thủ phạm dời đá lấp non.
Hạo Nhiên
>> Di tản dân, phá đá nguy hiểm trên núi Cấm
>> Đá rơi ở núi Cấm nặng khoảng 10 tấn, rơi từ độ cao 300m
>> Đá lăn từ núi Cấm đè bẹp xe du lịch, 6 người chết
Bình luận (0)