Phần lớn bệnh nhi suy thận mãn được phát hiện khi bệnh đã diễn tiến quá nặng và buộc phải chạy thận nhân tạo do không có điều kiện ghép thận.
Từ năm 11 tuổi, bé Phan Mỹ Tiên (quêHậu Giang) đã phải bỏ học cùng mẹ lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) chạy thận nhân tạo. Chị Nguyễn Cà Sua, mẹ của Tiên, tâm sự: “Trước đây, vợ chồng làm thuê nuôi 3 đứa con. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng các con đều được học hành đàng hoàng. Từ khi Tiên bệnh, tôi lên TPHCM vừa nuôi bệnh vừa làm công nhân, cùng con sống lay lắt gần 3 năm nay nơi hành lang bệnh viện”.
Thầy thuốc, thân nhân đều khổ
Dù thuộc diện hộ nghèo, được BHYT chi trả 95% viện phí nhưng chị Sua cũng chật vật lắm mới lo được 5% còn lại (gần 1 triệu đồng/tháng), chưa kể tiền ăn uống, bồi bổ và sinh hoạt phí của hai mẹ con. Mỗi tuần chạy thận 3 lần nên Tiên phải ở lại TP luôn. “Có những tháng tăng ca nhiều quá, tôi đổ bệnh, thế là lại thiếu trước hụt sau. Để con phải sống tạm nơi hành lang bệnh viện cũng sợ bị lây thêm bệnh nhưng tôi cũng không biết làm sao” - chị Sua thở dài nói.
Còn mẹ của bệnh nhi Đào Hải Đông (9 tuổi, quê Tiền Giang) thì than thở: “Từ ngày con bệnh, vợ chồng chúng tôi phải rời quê lên TPHCM kiếm đường sống cho con. Chồng tôi đi làm phụ hồ, mỗi ngày được hơn 100.000 đồng nhưng công việc lúc có, lúc không màviện phí của con thì gần 2,5 triệu đồng/tháng”.
ThS-BS Hoàng Thị Diễm Thúy, Phó trưởng Khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết do đây là cơ sở y tế duy nhất ở khu vực phía Nam thực hiện ghép thận và chạy thận nhân tạo cho trẻ em nên bệnh nhi suy thận mãn ở các tỉnh tập trung về khá đông. Hiện khoa đang có 33 bệnh nhi điều trị suy thận mãn bằng phương pháp chạy thận nhân tạo, 10 bệnh nhi điều trị bằng thẩm phân phúc mạc. Trước đó, 8 bệnh nhi khác đã được ghép thận thành công.
|
BS Lưu Thanh Bình, Khoa Thận - Nội tiết, nói bệnh nhi chạy thận nhân tạo khi phải rời quê chữa bệnh thì không thể sinh hoạt, học hành như bạn bè đồng trang lứa. Với phương pháp điều trị thẩm phân phúc mạc, bệnh nhi chỉ phải đến bệnh viện mỗi tháng một lần nhưng khó triển khai ở nhiều nơi, bởi đòi hỏi bệnh nhi phải sống trong môi trường sạch sẽ, người chăm sóc phải có kiến thức y khoa vì dễ nhiễm trùng.
Hầu hết các trẻ suy thận mãn khi nhập viện đều đã quá nặng, phải chạy thận nhân tạo dẫn đến sự quá tải tại đơn vị thận nhân tạo của Bệnh viện Nhi Đồng 2. “Để đáp ứng nhu cầu điều trị, thay vì làm giờ hành chính, khoa phải hoạt động đến 3 ca/ngày và làm luôn cả ngày thứ bảy” - BS Bình cho biết thêm.
Có thận vẫn khó ghép
Theo BS Thúy, ở hầu hết các nước tiên tiến, hiếm khi bệnh nhi chạy thận quá 5 năm mà hầu hết là nhanh chóng ghép thận để có thể học hành và bảo đảm sự phát triển thể chất.
“Thật ra, tổng chi phí ghép thận và sử dụng các loại thuốc sau ghép vẫn rẻ hơn phải chạy thận suốt đời. Tuy nhiên, việc ghép thận cho trẻ hiện nay ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn do nguồn tạng còn thiếu, hầu hết các ca ghép thận đã thực hiện đều là lấy từ cha hoặc mẹ của bệnh nhi. Nhiều gia đình có khả năng cho thận nhưng lại không đủ tiền cho con ghép thận” - BS Thúy trăn trở.
Trẻ chạy thận nhân tạo ở đây đang được BHYT chi trả từ 80%-95% chi phí, tức mỗi tháng gia đình còn phải tốn thêm vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng. “Nói đến chuyện ghép thận, tôi muốn lắm chứ và sẵn sàng cho con thận nhưng kiếm đâu ra vài trăm triệu đồng để ghép?” - chị Sua nói.
Hiện một ca ghép thận tốn khoảng 250 triệu đồng cho cả bệnh nhi và người cho. Sau đó, bệnh nhi phải sử dụng các loại thuốc chống thải ghép suốt đời. Do đó, đến nay chỉ có khoảng 1% bệnh nhi suy thận mãn được ghép thận.
Cần có nơi ở tập trung Đa số các bệnh nhi suy thận mãn đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đều đến từ các tỉnh, kinh tế khó khăn nên phải sống ở hành lang bệnh viện. ThS-BS Hoàng Thị Diễm Thúy cho biết bệnh viện đã đi tìm nơi ở cho các bé nhưng thấy các bé bệnh nặng, gầy yếu xanh xao nên các nơi này đều ngại. Để các bé sống lang thang cùng cha mẹ nơi hành lang bệnh viện vừa không đúng quy định vừa dễ lây nhiễm chéo nhưng cũng không thể không cho. “Bây giờ, chúng tôi chỉ mong có một cơ sở thiện nguyện nào đó hỗ trợ, tìm cho các em một chỗ ở tập trung, ổn định” - BS Thúy nói. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)