Mỗi lần dì đến là phụ nữ trong nhà nhường bếp để dì làm món cá thu kho lạt. Gọi là kho nhưng dì dặn món này cần nấu nhanh để giữ lại mùi vị tự nhiên của cá. Cá thu làm sạch, cắt thành từng khứa vừa phải, ướp sơ qua với gia vị và hành tím. Phi tỏi cho thiệt thơm rồi bỏ cá thu vào chiên qua. Khi miếng cá bắt đầu săn thì đổ nước dừa tươi vào. Đây là cách để nước cá ngon và ngọt. Để lửa liu riu cho cá thấm nước dừa rồi cho khóm vào. Khi khóm vừa chín tới thì tiếp tục bỏ cà chua xắt múi. Sau khi nêm nếm gia vị vừa ăn, bắc nồi cá xuống, bỏ thêm một ít hành lá, cần tây.
Món cá thu kho lạt ăn với bún rất ngon. Tô bún chan xăm xắp nước cá với một lát cá thu, mấy miếng khóm, cà chua, thêm mấy cọng ngò rí ăn kèm với dĩa rau ghém và chén nước mắm nhĩ dằm ớt hiểm. Cá thu tươi ngon là kho xong vẫn còn nguyên khứa, không bị nát. Khi ăn thịt cá dẻ và thơm. Nước chan bún có vị ngọt rất tự nhiên nhờ sự hòa quyện của các nguyên liệu trên cộng lại.
Khi được bày ra bàn, tô bún cá thu kho lạt do dì nấu thường khiến cả nhà phải trầm trồ. Tô bún có sự kết hợp hài hòa giữa màu trắng của miếng cá thu, màu đỏ của cà chua, màu vàng của khóm, màu xanh của hành, cần, rau ghém… Dì nói muốn níu chân người ăn thì ngoài hương vị thơm ngon, đậm đà của món ăn, còn cần cách trình bày bắt mắt. Có lẽ nhờ bí quyết này mà dì đã giữ được gia đình êm ấm, căn bếp nhà dì luôn đỏ lửa mấy chục năm qua.
Ở đây chợ bán đầy cá thu nhưng chẳng hiểu sao không thể ngon bằng con cá của người dì vượt hơn trăm cây số đem cho cháu. Nhiều khi, ăn tô bún cá thu mà thiếu một người tự nhiên thấy vị ngon cũng không trọn vẹn. Vậy là cả nhà lại mong, lại ngóng tới mỗi dịp hè để được thấy dì tay xách nách mang, được cùng nhau nấu nướng và thưởng thức món bún cá thu kho lạt trong không khí rộn rã tiếng cười.
Hương Giang
>> Chợ quê giữa lòng Sài Gòn
>> Ăn uống chống nhiệt độc
>> Chè sương sa hột lựu
>> Thì là
Bình luận (0)