Đông y sử dụng mía làm thuốc từ lâu đời. Sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh viết: “Cam giá là cây mía, có vị ngọt, tính mát, không độc, tác dụng giáng hỏa tiêu phiền, ngừng nôn mửa, thông đàm, điều trung, tả phế, hòa tì vị”. Y học Ayurveda của Ấn Độ dùng mía làm thuốc lợi tiểu, nhuận trường, giải nhiệt, tăng cường sinh lực. Rễ mía cũng được dùng làm thuốc chữa bệnh vì có chứa mangan oxalat 4,45%, được dùng để giải nhiệt, lợi tiểu với liều 20-30 g rễ khô/ngày, sắc uống.
Vào mùa hè nóng nực, nước mía là một thức uống giải khát, giải nhiệt thông dụng và có ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc chế biến phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm để phòng tránh nhiễm khuẩn, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…
Có một số bài thuốc chế biến từ mía và đường đã được ghi nhận rất hiệu quả. Chẳng hạn như: chữa nôn ọe (ép mía lấy nước, pha thêm 1 muỗng cà phê nước cốt gừng, cho uống); chữa đi lỵ, ăn uống không tiêu (đường cát vàng 3 muỗng canh, ô mai 3 quả. Sắc với 750 ml nước cho đến lúc còn lại 300 ml, chia 2 lần uống lúc đói bụng); chữa ho ở trẻ em (đường phèn 30-50 g, hoa hồng trắng 2-3 cái, chưng cách thủy lấy nước cho uống nhiều lần trong ngày); chữa đi tiểu khó, tiểu buốt (50 g mía rửa sạch rồi xắt nhỏ, 20 g râu bắp, 12 g cây mã đề. Sắc với 1 lít nước còn lại 500 ml, chia 2-3 lần uống trước bữa ăn).
Với trẻ em thường ra mồ hôi trộm, gặp trường hợp này chúng ta cho trẻ ăn mía hoặc uống nước mía sạch ngày 1-2 lần.
Lưu ý là không ăn mía thường xuyên trong thời gian dài vì sẽ gây tổn thương cho răng. Không nên ăn mía đã biến chất, đã nhiễm khuẩn độc vì sẽ gây nôn mửa, hôn mê… ảnh hưởng tới thần kinh thị giác hoặc thần kinh trung ương.
Theo Người Lao Động
>> Ăn mía trị bệnh
>> Bài thuốc chữa trúng độc
>> Thực trạng đáng báo động của ngành mía đường Việt Nam
Bình luận (0)