Sôi động tên lửa đối hạm

12/05/2012 03:46 GMT+7

Nhiều bên tại châu Á đang không ngừng tăng cường khả năng phòng thủ vùng biển bằng cách trang bị các loại tên lửa chống tàu.

Tên lửa đối hạm ngày càng phát triển đa dạng về kích thước, tầm bắn, tốc độ và phương tiện khai hỏa. Chúng có thể được bắn đi từ đất liền, máy bay, tàu chiến nổi lẫn tàu ngầm. Thậm chí, hồi cuối năm ngoái, Tập đoàn Morinformsystem-Agat JSC của Nga còn giới thiệu hệ thống tên lửa chống tàu chiến được tích hợp gọn nhẹ trong một container để có thể khai hỏa từ mọi nơi. Vì thế, tên lửa đối hạm đang trở thành loại khí tài mà nhiều bên ở châu Á - Thái Bình Dương muốn sở hữu trong bối cảnh những loại tàu chiến tối tân hiện diện ngày càng nhiều trong khu vực.


Tên lửa Brahmos nay đã có phiên bản tấn công tàu sân bay - Ảnh: India-defence.com
 

Mới đây, Bloomberg dẫn lời chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định: “Tên lửa chống tàu chiến không giúp cân bằng cán cân quân sự trong khu vực nhưng góp phần đảm bảo khả năng đối phó những thế lực hải quân đang trỗi dậy”. Bên cạnh đó, Bloomberg còn dẫn nguồn báo Nga cho hay một nước Đông Nam Á vừa ký hợp đồng mua tên lửa đối hạm có tầm bắn 250 km do Moscow cung cấp. Loại tên lửa này có thể được khai hỏa từ trực thăng, tàu chiến lẫn đất liền và đủ sức phá hủy mục tiêu cỡ lớn. Nga cũng đã bán tên lửa chống tàu Yakhont cho Indonesia với giá 1,2 triệu USD và Jakarta tuyên bố đã bắn thử thành công, theo RIA-Novosti. Loại tên lửa này nhanh gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh, đạt tầm bắn 300 km và có thể được phóng đi trên không, đất liền lẫn từ các loại tàu chiến. Đến đầu tháng này, chuyên gia Richard Fisher thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh CNAS tiết lộ Philippines cũng đang dự định mua tên lửa Harpoon của Mỹ.

Các sát thủ tàu sân bay

Cuộc chạy đua tăng cường tên lửa đối hạm tại châu Á - Thái Bình Dương càng diễn ra sôi động hơn khi các bên phát triển thêm những phiên bản mới, đủ sức phá hủy tàu sân bay. Các tin tức thường xuyên xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc liên tục thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên của nước này. Hồi tháng 3, tờ The Hindustan Times đưa tin liên doanh Nga - Ấn Độ vừa phát triển thành công phiên bản tấn công tàu sân bay của tên lửa siêu thanh Brahmos. Không những thế, liên doanh này còn tiết giảm kích thước của tên lửa Brahmos để có thể lắp trên chiến đấu cơ MiG-29K. Hiện tại, Brahmos đã được trang bị cho máy bay Su-30MKI.

Tương tự, Đài Loan thông báo thử nghiệm thành công tên lửa Hùng Phong III có tầm bắn 300 km đủ sức đánh hạ tàu sân bay. Tờ The Taipei Times dẫn lời giới chức Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho hay đảo này sẽ sớm triển khai tàu tấn công nhanh được trang bị Hùng Phong III. Tất nhiên, cuộc đua sôi động này cũng không thể vắng mặt Trung Quốc. Trong vài năm qua, Bắc Kinh nhiều lần úp mở về tên lửa chống tàu sân bay DF-21D được cho là có tầm bắn lên đến 3.000 km.

“Áo giáp” Laser

Đầu tháng 5, Tập đoàn Northrop Grumman (Mỹ) tuyên bố vừa thử nghiệm thành công dùng chùm laser năng lượng cao bắn hạ tên lửa đối hạm. Dựa vào đó, Northrop Grumman tin rằng thiết bị phóng laser nói trên sẽ trở thành một hệ thống phòng thủ tên lửa có tính linh hoạt cao dành cho tàu chiến. Hồi năm ngoái, website của Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Mỹ cũng thông báo đạt được bước ngoặt lớn trong việc phát triển hệ thống phóng chùm laser đủ sức tiêu diệt các loại tên lửa đối hạm.

Giới chuyên gia nhận định những thành tựu mới trong vũ khí laser của Mỹ sẽ giúp tàu chiến nước này tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh nhiều bên đang phát triển tên lửa đối hạm, điển hình như loại DF-21D của Trung Quốc.

Ngô Minh Trí

>> Thế trận tên lửa Đông Bắc Á
>> Người gốc Việt nghiên cứu siêu vũ khí laser
>> Ấn Độ, Nga tăng cường vũ trang
>> Thế trận hải quân châu Á - Thái Bình Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.