Đầu tháng 5.2012, Lồ A Và - một “đại gia” Trung Quốc trong lĩnh vực tiêu thụ thanh long ở TP.Bằng Tường (Trung Quốc), phóng chiếc xe BMW chở chúng tôi - đang trong vai người kinh doanh thanh long - tới Pò Chài, điểm đến của trái thanh long Việt Nam.
Pò Chài là một thị trấn thuộc TP.Bằng Tường của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Chợ Pò Chài nằm giữa một thung lũng khá bằng phẳng, xung quanh là núi đá vôi. Nơi đây được xem là chợ đầu mối nông sản lớn nhất miền nam Trung Quốc. Chỉ cách biên giới Lạng Sơn (cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cổng Trắng) chừng 5 km, Pò Chài rất sầm uất bởi sự giao thương hàng hóa giữa hai nước. Ở đây có đến 90% là dân TP.Bằng Tường, buôn bán các mặt hàng bằng đường tiểu ngạch. Đa số các thương lái đều nói rất sõi tiếng Việt. Lồ A Và là chủ một doanh nghiệp (DN) có trụ sở chính ở Bằng Tường, một văn phòng ở con phố lớn nối cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) với Pò Chài. Hầu như tất cả các chủ DN hay thương lái buôn bán thanh long ở Bình Thuận đều biết “đại gia" này.
|
Lồ A Và gọi Pò Chài là “thiên đường của giới buôn bán thanh long”. Lý do là "nếu không có chợ Pò Chài thì thanh long của Việt Nam không biết đem đi đâu cho hết". Câu nói của Lồ A Và chứa đựng nhiều ẩn ý.
Luật ở Pò Chài
Hai bên đường ở Pò Chài là các cửa hiệu và văn phòng giao dịch san sát. Nơi nhập nông sản chia làm hai khu vực với những bãi đỗ cho xe container cực rộng. Bãi xuất trái cây từ Trung Quốc sang Việt Nam và từ Việt Nam vào Trung Quốc. Bà Lý Phu Hà, chủ DN Thiên Bình (ở Pò Chài), cho biết: "Vào mùa này, thanh long Bình Thuận nhập vào Pò Chài không đến 100 xe/ngày. Còn vào mùa chính (giáp tết), có ngày lên đến vài trăm xe thanh long. Không chỉ có Bình Thuận, mà thanh long Tiền Giang, Long An cũng nhập vào đường này". Theo bà Hà, ở Pò Chài có hàng nghìn DN Trung Quốc lớn nhỏ chuyên kinh doanh nông sản và các mặt hàng dân dụng khác. Trước khi chở hàng sang Pò Chài, chủ hàng Việt Nam báo trước cho người mua. Thậm chí giao kèo mua bán được thực hiện ngay tại Bình Thuận (có khi người của Pò Chài được cắm ngay tại Bình Thuận để theo dõi hàng). Tất cả xe container chỉ được vào đến sân giao hàng ở Pò Chài. Ở đó xe container của chủ hàng Trung Quốc chờ sẵn nhận hàng và chở đi tiêu thụ.
|
Ông Tám Mập, một lái xe người huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), kể: “Hàng vào đến Pò Chài thì giá bao nhiêu, hình thức thanh toán thế nào đều do các ông chủ Trung Quốc quyết định”. Theo ông Tám Mập, dù đã giao kèo giá cả, chủng loại hàng hóa nhưng khi hàng vào Pò Chài, nếu chủ hàng Trung Quốc không đồng ý về chất lượng thì họ lập tức từ chối mua. Khi đó thì không có bất cứ thương lái nào khác mua hàng. "Lúc đó lỗ bao nhiêu cũng phải bán cho người đã thỏa thuận với mình. Đó là chưa kể có lúc các thương lái bên này đồng loạt không mua hàng để ép hạ giá. Mỗi năm chuyện này xảy ra ít nhất đôi ba lần", ông Tám Mập kể.
|
Trên con đường dẫn vào bãi nhập thanh long ở Pò Chài, có trạm thu phí của một DN Trung Quốc. Tất cả những xe container (biển số phần lớn là Bình Thuận và TP.HCM) trước khi vào giao hàng đều phải dừng lại ở đây. Mỗi xe phải nộp từ 100-120 NDT (khoảng 340.000 - 400.000 đồng). Lồ A Và cho biết đó là phí “giao thông”. Gọi là phí nhưng tài xế nộp xong không nhận được biên lai. Không chỉ phí “giao thông”, họ còn phải nộp phí “môi trường”, phí “bến bãi” và nhiều khoản phí không tên khác. Mỗi loại phí từ trên dưới 100 NDT/lượt. Liệu có thể từ chối nộp các loại phí này vì không có hóa đơn? Trả lời chúng tôi, tài xế Tám Mập cười: “Không nộp thì chở hàng về, bên này làm gì có hóa đơn gì”.
|
Câu kết để ép giá
Chúng tôi theo một xe container thanh long vào Pò Chài. Vừa đến nơi, đã có người hướng dẫn xếp hàng ngay ngắn, tài xế vào văn phòng của đối tác để thông báo hàng đến. Người của công ty Trung Quốc đến tận nơi yêu cầu tài xế mở thùng container ra để kiểm tra chất lượng. "Nếu hàng đúng quy chuẩn mà hai bên đã giao kèo thì sẽ có bốc vác đến chuyển hàng sang container của xe Trung Quốc. Một tài xế ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) dẫn chúng tôi vào bên trong container đang bốc xếp thanh long sang chiếc xe mang biển số Trung Quốc. Hàng chục người chen nhau bên trong thùng container, hì hục lấy thanh long đóng trong thùng giấy của các DN Việt Nam chuyển sang các thùng giấy in chữ Trung Quốc. Sau hơn một tiếng đồng hồ, chiếc xe biển số màu vàng của Trung Quốc chở đầy thanh long lăn bánh khỏi khu vực bốc hàng, chạy về hướng Bằng Tường.
Và không chỉ thanh long, chúng tôi còn thấy rất nhiều xe tải biển số Bình Định chở dưa hấu sang cũng được chuyển đóng gói vào thùng hàng có nhãn Trung Quốc.
Tại bãi xe ở Pò Chài có một khu chuyên để xe sang của các thương lái máu mặt Trung Quốc. Hằng ngày cứ khoảng 8 giờ sáng, các thương lái này lái xe từ Bằng Tường đến để điều hành. Đó là những “Lồ A Và” đang nắm trong tay số phận của thanh long và nhiều loại nông sản Việt Nam khác sang đây bằng đường tiểu ngạch. Các “đại gia” này đều có mối quan hệ khăng khít với rất nhiều thương nhân Việt Nam. Họ quyết định toàn bộ giá cả, lượng hàng tiêu thụ ở Pò Chài.
Một tài xế người Đồng Nai lái xe chở thanh long cho một thương lái ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) tiết lộ hiện nay xuất hiện tình trạng một vài DN “có máu mặt” ở Việt Nam câu kết với các "đại gia" Trung Quốc để thao túng giá thanh long, ép các DN nhỏ. "Khi hàng của các DN nhỏ sang đến Pò Chài thường xuyên bị các ông chủ Trung Quốc đồng loạt ép giá. Họ làm kiểu này thì nông dân trồng thanh long càng thêm khổ", lời tài xế này khiến chúng tôi chạnh lòng.
Xuất sang nước thứ ba Bằng Tường là thành phố nằm ở biên giới phía nam tỉnh Quảng Tây, có rất nhiều siêu thị lớn. Xem xét kỹ ở hai siêu thị lớn tại đây, chúng tôi không hề thấy bán thanh long của Việt Nam. Vậy hàng trăm tấn thanh long nhập vào Trung Quốc mỗi ngày được tiêu thụ ở đâu? Theo Lồ A Và, một nửa được tiêu thụ ở các thành phố lớn Trung Quốc, còn lại được xuất đi nước thứ ba. Nhưng xuất đi nước nào thì Lồ A Và không hé lộ. |
Quế Hà
Bình luận (0)