Yêu nước qua nhạc, qua thơ

12/05/2012 03:29 GMT+7

Có một sáng kiến của Trường THPT Cao Lãnh 2 (tỉnh Đồng Tháp) rất đáng được nhân rộng: đó là đưa các ca khúc cách mạng vào nhà trường dưới tên gọi: “Mỗi tuần một ca khúc cách mạng”. Và Trường Cao Lãnh 2 đã tuyển chọn được 30 ca khúc cách mạng cho học sinh của mình tập luyện và biểu diễn sau lễ chào cờ mỗi tuần.

Trong số 30 ca khúc cách mạng ấy, có những ca khúc về biển đảo như Gần lắm Trường Sa...

Đưa ca khúc cách mạng vào nhà trường là một chủ đề lớn, còn đưa những ca khúc, những kiến thức về Hoàng Sa, Trường Sa vào nhà trường cũng không hề là một chủ đề nhỏ. Chủ đề Hoàng Sa, Trường Sa càng trở nên lớn lao khi trong quá khứ, chính những ngư dân và những đội dân binh của Quảng Ngãi là những người Việt Nam đầu tiên cắm mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bây giờ chúng ta thường xuyên có những chương trình tuyên truyền về biển đảo, nhưng phải nói thật, những kiến thức cơ bản về Hoàng Sa và Trường Sa, về chủ quyền quốc gia Việt Nam trên hai quần đảo ấy vẫn chưa thực sự đi vào nhà trường một cách có hệ thống và tạo nên được những hiệu ứng của lòng yêu nước trong học sinh.

Vì thế, cùng với việc soạn những bài giảng ngắn gọn nhưng đầy đủ về Hoàng Sa và Trường Sa, về chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, rất cần đưa kèm theo những bài giảng ấy là những ca khúc, những hợp xướng, những bài thơ về Hoàng Sa và Trường Sa đã và đang được người Việt Nam yêu mến và thể hiện.

Không phải quốc gia nào có chủ quyền trên biển Đông cũng có được những sáng tác văn học nghệ thuật về những vùng chủ quyền của mình, bởi một điều đơn giản, phải yêu thương từng thước biển, từng tấc đất, từng hòn đảo nhỏ của Tổ quốc mình đến thế nào mới có thể sáng tác được những tác phẩm về những nơi đó. Và phải yêu thương, đồng cảm với những chiến sĩ bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình từ xưa tới nay như thế nào thì mới có được những tác phẩm văn học nghệ thuật, những bài hát về họ. Đó chính là vốn quý góp phần khẳng định chủ quyền của quốc gia, và nó phải được phổ biến rộng rãi, bắt đầu từ trong các trường học.

Nếu mỗi tuần, sau giờ chào cờ, học sinh được hát, được đọc những bài thơ về Hoàng Sa và Trường Sa, những tác phẩm ca ngợi các chiến sĩ Việt Nam đang bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, thì chắc chắn, cùng với những bài giảng súc tích về hai quần đảo ấy, học sinh không chỉ được học, được hiểu biết, mà quan trọng hơn, được cảm xúc, được yêu thương và bắt đầu có ý thức trách nhiệm về chủ quyền Tổ quốc mình. Hát những bài hát yêu nước cũng là yêu nước. Đọc những bài thơ yêu nước cũng là yêu nước. Và mỗi khi những cái tên Hoàng Sa, Trường Sa vang lên trong nhà trường, giữa các lớp học, sau mỗi buổi chào cờ hằng tuần, thì Tổ quốc sẽ luôn hiện diện trong lòng mỗi học sinh, Hoàng Sa và Trường Sa sẽ luôn cháy bỏng trên môi và tận tâm hồn các em.

Còn có sự giáo dục nào thiết thực và sâu sắc hơn thế?       

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.