Sau những ngày miệt mài học tập và trải qua các kỳ thi căng thẳng, trẻ em lại có kỳ nghỉ hè để về quê hay du lịch cùng gia đình. Tùy vào độ tuổi, thời gian xa nhà, địa điểm và dịch vụ du lịch mà trẻ có những chế độ ăn uống khác nhau. Nhưng cho dù lúc đi chơi không thể thuận tiện và chu đáo như khi ở nhà thì trẻ vẫn cần được cung cấp những bữa ăn đủ lượng và chất, phù hợp với mức sinh hoạt và vận động nhiều hơn hẳn ngày thường.
Ăn nhiều bữa trong ngày
Đang trong giai đoạn phát triển nên trẻ em cần được cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất để sống và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Tuy nhiên, thể tích dạ dày tỉ lệ thuận với lứa tuổi nên các bậc cha mẹ cần cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ.
|
Ngoài ra, do thức ăn của trẻ thường là sữa, bột, cháo, bún và các thức ăn lỏng, loãng, ít năng lượng, mau tiêu, mau đói nên khi đi du lịch, chúng ta cần cung cấp thức ăn thành nhiều lần trong ngày thì mới đạt đủ số năng lượng và dưỡng chất cần thiết. Với nhũ nhi thì cần cả những cữ bú sữa ban đêm.
Những bữa ăn chính vào buổi sáng, trưa, tối và cả những bữa ăn phụ giữa các bữa ăn chính đều rất cần thiết cho trẻ. Buổi sáng, thường diễn ra nhiều hoạt động vui chơi nên đòi hỏi cơ thể phải nạp năng lượng đầy đủ. Mặt khác, sau một giấc ngủ dài, cơ thể rất cần bổ sung từ 25% - 35% tổng năng lượng trong ngày để duy trì hoạt động.
Bữa phụ là những bữa ăn nhẹ xen kẽ giữa các bữa chính để hỗ trợ kịp thời khi các bữa chính cách xa nhau 4-5 giờ. Trẻ nên ăn bữa phụ tầm 9 giờ, 15-16 giờ và trước khi đi ngủ buổi tối. Thức ăn trong bữa phụ có thể là hộp sữa tươi, hũ sữa chua, cái bánh bông lan, củ khoai, trái bắp, rau câu, ly kem, trái cây… Các loại thức ăn nên đa dạng và thay đổi để cung cấp đủ dinh dưỡng.
Các bậc cha mẹ nên từ bỏ ý nghĩ bữa phụ của trẻ chỉ là ly nước cam, cái bánh quy, viên kẹo hay vài múi quýt là ổn. Những món ăn vặt này sẽ không cung cấp đủ lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong điều kiện phải hoạt động nhiều. Vì vậy, nên cho trẻ ăn kèm ngay sau bữa ăn chính, không nên ăn rải rác suốt ngày sẽ làm trẻ bị “no ngang”, dẫn đến biếng ăn vào bữa chính.
Đối với trẻ em, tổng lượng thức ăn trong ngày là rất quan trọng. Nếu bữa nào gặp món ăn cho dù là đặc sản nhưng không hợp khẩu vị lắm thì trẻ có thể ăn ít hơn ngày thường. Lúc này, bạn có thể cho trẻ uống bù thêm một ít sữa, bánh flan, kem... ngay sau khi ăn bữa chính hoặc ăn cữ ăn sau sớm hơn.
Lưu ý khi đi chơi xa
Khi đi du lịch, các loại thức ăn công nghiệp chế biến sẵn không thể thiếu vì tiện mang theo và lâu hư. Giò lụa, lạp xưởng chiên, bánh chưng, bánh giò, xôi nếp, gà chiên có thể dùng trong 1-2 ngày; các loại xúc xích, patê hộp, thịt hộp, phô mai, sữa hộp, mì gói, cháo ăn liền, phở gói, bánh quy có thể bảo quản lâu hơn.
Ngoài ra, các chuyến du lịch không thể thiếu trái cây và khoai củ, dưa leo, cà chua, củ sắn. Trong trường hợp thiếu rau xanh, có thể thay bằng trái cây để bảo đảm bữa ăn tươi, cung cấp nhiều vitamin và chất xơ.
Nếu trẻ cùng gia đình du lịch ngắn ngày thì vấn đề ăn uống trễ giờ, thiếu bữa, thiếu chất dinh dưỡng có thể chấp nhận được. Nhưng khi đi chơi xa từ 4-5 ngày trở lên thì cần có kế hoạch bảo đảm chế độ ăn uống, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Khi khẩu phần ăn của trẻ bị sút giảm kết hợp với mất sức do vui chơi nhiều, ngủ ít thì không chỉ gặp nguy cơ thiếu năng lượng, thiếu dinh dưỡng mà còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Lúc này, trẻ dễ mắc bệnh và ăn kém ngay trong chuyến du lịch hoặc sau khi về nhà.
Bữa sáng đừng qua loa Bữa ăn sáng cũng như bữa trưa, tối phải có đủ 4 nhóm thực phẩm là bột đường (cơm, cháo, bún, mì, nui, phở, khoai…); đạm (thịt, cá, tôm, trứng, đậu hũ…); chất béo (dầu, mỡ), rau củ và trái cây. Chẳng hạn, với bữa sáng cho trẻ trên 2 tuổi, nếu ăn mì gói thì cần thêm ít thịt hay xúc xích, xà lách, trái chuối; ăn xôi đậu có dừa nạo thì thêm một miếng thanh long; bánh ướt có chả lụa thì thêm giá trụng, rau thơm; tô bún có thịt xào, mỡ hành và dưa leo xắt nhỏ. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)