|
Paris là thành phố đa văn hóa nhất ở châu Âu. Người Pháp gốc châu Phi, người Ấn thường sống ở một nơi, còn người châu Á tập trung phần lớn ở phía đông. Vừa bước ra khỏi ga tàu điện ngầm Porte d’Italie ở quận 13, ngay lập tức cảm giác như mình đang ở đâu đó tại TP.HCM. Đập vào mắt là hàng loạt bảng hiệu quán phở, tiệm bán thịt heo, gạo, cửa hàng vàng… bằng tiếng Việt.
Dạo một vòng Trung tâm thương mại Olympiades, hay còn gọi là chợ Tàu, dễ dàng nhận ra giọng nói quen thuộc của nhiều người Việt. Nhưng ở khu chợ Tang Freres cách đó chừng 100 m mới thật sự là nơi tập trung đông đảo đồng hương nhất. Tôi ghé vào siêu thị mini bán tạp hóa của cô Sáu Đào trong khu Tang Freres vì thấy lạ trước cái bảng hiệu: chợ Bến Thành.
Siêu thị bán nhiều món hàng nhập khẩu từ Việt Nam, như cà phê Trung Nguyên, bánh tráng, chả giò, mắm nêm, mắm cá lóc, mắm tôm chua, mắm ruốc xào xả, mắm cá cơm; thậm chí có bảng “coi bói tình duyên”. Bà chủ quê gốc Sóc Trăng này khoe ở đây cô còn có nghệ danh là Ngọc Tâm, chuyên hát vọng cổ trong những buổi diễn nghệ thuật của cộng đồng người Việt. Hỏi quán phở nào ngon nhất quận 13, cô Sáu bảo có nhiều quán như phở Mùi mang hương vị bắc, phở 14 hương vị miền Nam… “Nhưng theo tui, cậu nên tới quán phở Bi-da, ra khỏi khu chợ này là tới”, cô Sáu dặn.
Ở khu Tang Freres có rất nhiều quán phở. Bảng hiệu ghi rõ ràng là phở, chứ không cần dịch ra tiếng Tây và tự hào là đặc sản Việt Nam. Phở đúng là đã nghiễm nhiên trở thành một thương hiệu quốc tế. Tiến sĩ - nhà báo Paul Janositz, người Đức làm cho tờ Tagesspiegel nằng nặc đòi tôi giới thiệu nơi nào ở Berlin bán phở ngon như ở Hà Nội.
Ông từng tới Hà Nội dự một cuộc họp về môi trường hồi năm 2010 và có dịp thưởng thức món phở đặc trưng của người Việt. Về Berlin, ông lặn lội tìm đến nhiều quán phở ở chợ Đồng Xuân tận Đông Berlin nhưng vẫn cảm thấy chưa thật sự ngon miệng dù hương vị phở ở đây tương đồng với phở Bắc. Nhưng tệ một chỗ là phở nấu bằng bánh phở khô. Ở châu Âu, đa số các quán bán phở bằng sợi phở khô, không giống như ở quê nhà là sợi phở tươi, dai và mềm…
Tuy nhiên, ở nơi xứ người, nhiều ngày ăn qua ăn lại món phô mai, bánh mì... thì dẫu có nhìn thấy tô phở nấu sợi bánh khô nghi ngút khói thơm mùi hành lá, thịt bò cũng đã ấm bụng. Paris những ngày trời lạnh mưa rả rích, bưng tô nước phở lên húp một cách dân dã như đang ở nhà thật khoan khoái. Chưa có một cuộc bình chọn nào nhưng tôi chắc rằng, phở ở Paris ngon nhất châu Âu! Quán phở Bi-da mà cô Sáu chỉ tôi tới có không gian rộng rãi, ngay mặt tiền đường, du khách Nhật Bản, Trung Quốc... vào ra tấp nập. Cũng là loại bánh phở khô như ở Berlin, nhưng có lẽ do nước lèo nấu hoa hồi hương thơm ngát nên phở ở quán Bi-da rất hấp dẫn.
Không chỉ ở quận 13 mới có phở. Hôm tôi vừa ngoi ra khỏi ga tàu điện ngầm Opera ở trung tâm Paris đã thấy bảng hiệu nhà hàng Việt Nam. Bà chủ họ Nguyễn, tên thường gọi là Ly, nói giọng Huế, bán món Huế và món đặc biệt là phở. Nếu phở ở quận 13 giá 8 euro (khoảng 240.000 đồng/tô), thì quán của cô Ly bán giá gấp đôi, 15 euro. Cô Ly chỉ vào một tờ báo được photo dán trên tường và kể rằng, đây là nhà hàng Việt Nam lớn nhất và lâu năm nhất ở Paris. Nhà hàng có từ thập niên 1950, do vợ chồng một bác sĩ gốc Việt thành lập, sau đó sang nhượng lại.
Xung quanh quán Việt này có rất nhiều ngân hàng, công ty nên khách vào quán của cô Ly đa số là người Pháp. “Họ đặc biệt thích phở!”, cô khẳng định. Quán được trang trí thuần chất Việt Nam, với hình ảnh áo dài, nón lá, tường tre… “Cả thế giới ai cũng biết phở là món ngon của xứ mình rồi. Tôi thấy ở nhiều nước cộng đồng người Việt mở tiệm phở, ở Hồng Kông cũng có, ở Nga cũng nhiều. Hình như người nước ngoài tới Việt Nam ăn phở rồi đi đâu cũng nhớ phở. Cách quán một đoạn, trên đường Saint Anne cũng có một quán phở, nhưng bán chung với món ăn Campuchia, cạnh tranh với nhiều nhà hàng món Hoa, món Nhật gần đấy. Nhà bạn tôi sống ở Pháp lâu năm, nhưng cả hai vợ chồng đều giữ truyền thống ẩm thực của người Việt. Các cháu nhỏ mỗi sáng đều ăn bún, phở tự nấu ở nhà với các nguyên liệu mua ở chợ Tây, chợ Tàu.
N.T.Tâm
>> Đi bộ tới Thiên Đường
>> Du lịch vì hòa bình
>> Nỗi buồn di tích: Hiu hắt khách tham quan
>> Thắng tích bên phá Tam Giang
>> Trở lại Sydney
>> Trầm lắng tour xem pháo hoa
>> Dừng chân ở Mukdahan
>> Phố Tây đâu chỉ dành cho “Tây”
Bình luận (0)