Chỉ cần bỏ ra khoảng 100.000 đồng sắm cái cuốc và cặp kính lặn, người dân bên sông Thoa đã có thể mưu sinh bằng nghề săn “rồng đất”. Khoản thu nhập từ đào tìm trùn nước lợ khá cao so với những công việc khác ở Đức Phổ - Quảng Ngãi nhưng cũng lắm gian truân.
Những năm gần đây, nghề đào trùn nước lợ (còn gọi là “rồng đất”) dưới lòng sông Thoa đã giúp cho hàng trăm hộ dân xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ - Quảng Ngãi có được cuộc sống khấm khá. Khác với con trùn đất nước ngọt, trùn nước lợ màu trắng bạc và có kích thước lớn hơn hẳn.
Đổi đời
Ông Nguyễn Có, 58 tuổi, ngụ tại thôn Hải Tân, xã Phổ Quang, cho biết: “Nghề đào bắt trùn nước lợ đã xuất hiện khoảng 40 năm trước. Tuy nhiên, khi ấy, trùn đào được chỉ bán cho những thuyền câu gần bờ làm mồi câu cá nên giá rất thấp. Mỗi buổi sáng đào bắt từ lúc 4 giờ, tôi kiếm được khoảng 10 kg trùn, cũng chỉ đổi được vài lon gạo”.
|
Hơn 12 năm đào trùn và làm thuê, cuốc mướn lo cho 10 người con cùng với người cha già hay đau yếu, gia đình ông Có luôn nghèo rớt mồng tơi. Bắt đầu từ năm 2002, khi một số tư thương ở Bình Định ra tận nơi thu mua trùn nước lợ với giá cao, nhiều người dân xã Phổ Quang hành nghề đào trùn nước lợ được đổi đời.
Ông Có có hai người con trai là Nguyễn Công và Nguyễn Huệ cũng bỏ đi biển, cùng cha đào tìm “rồng đất” ở sông Thoa. “Từ khi trùn nước lợ có giá, chỉ sau 3 năm ngụp lặn dưới lòng sông Thoa, ba cha con tôi đã kiếm đủ tiền xây được căn nhà khá bề thế, khang trang với nhiều vật dụng tiện nghi, đắt tiền” - ông Có khoe.
Người dân Phổ Quang hay nhắc đến chuyện đổi đời của gia đình ông Nguyễn Văn Hải và xem như một kỳ tích. Những năm trước, mỗi khi trong làng xã xảy ra bất kỳ vụ mất cắp nào thì y như rằng mọi người luôn đổ dồn nghi ngờ cho vợ chồng ông Hải vì gia cảnh họ quá nghèo khó. Sau 2 năm đi bạn (làm thuê) cho chủ tàu cá ở địa phương, ông Hải vẫn không giúp gia đình thoát được cảnh thiếu đói triền miên. “Vậy mà chỉ sau gần 10 năm chuyển sang đào bắt rồi thu mua “rồng đất”, hiện gia đình tôi đã xây dựng được cơ ngơi, có của ăn của để” – ông Hải phấn khởi.
Chỉ cần bỏ ra khoảng trên 100.000 đồng sắm chiếc cuốc và cặp kính lặn, người dân sống bên sông Thoa đã có thể mưu sinh bằng nghề săn “rồng đất”. Khoản thu nhập từ việc đào trùn nước lợ khá cao so với những công việc khác ở địa phương này.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phổ Quang, cho biết trên địa bàn xã hiện có hàng trăm hộ dân mưu sinh trên sông Thoa với việc săn “rồng đất”, cào don, chài lưới… Riêng nghề săn “rồng đất” đã giúp hàng chục người đổi đời. “Có lẽ vì con trùn nước lợ đã có công làm thay đổi cuộc sống của những người dân nghèo hoặc nhờ giá trị cao nên người dân nơi đây đặt cho nó cái tên mỹ miều là “rồng đất” - ông Tuấn phỏng đoán.
Nghề bạc
Sau buổi ngụp lặn trên sông Thoa, anh Nguyễn Văn Quảng chỉ đào bắt được vài con trùn nước lợ và tiu nghỉu biếu luôn cho người bạn “đồng nghiệp” đi cùng. “Coi vậy chứ không phải dễ ăn đâu! Trông thấy miệng hang rồi đấy nhưng nếu đào chậm tay thì trùn sẽ trốn thoát ngay. Nhiều lúc, “thợ săn” đào bới còn gặp phải mảnh chai vỡ hay vỏ nghêu, sò… cứa vào tay tóe máu. Sau mỗi buổi lặn, da cứ xám ngoét như xác chết, nhiều khi lạnh cóng phải vội lên bờ rồi xoa mạnh hai tay vào nhau áp nơi thái dương cho ấm” - anh Quảng phân trần.
|
Theo anh Quảng, trước đây, do ít người săn tìm nên “rồng đất” ở sông Thoa rất nhiều. Thời gian qua, “rồng đất” ngày càng có giá, nhiều người đổ xô đào bắt liên tục nên chúng ngày càng giảm. Cùng với việc đào ở những bãi cát cạn theo thủy triều, nhiều người phải ngụp lặn đào bới dưới mực nước sâu trên 1 m. Sau 6-7 giờ ngụp lặn vào hai buổi sáng và chiều, mỗi người đào được chừng vài ký “rồng đất”, thậm chí ai thạo nghề còn có thể đạt 10 kg hoặc hơn. Với giá thu mua mỗi ký trùn nước lợ hiện trên 50.000 đồng, người săn “rồng đất” cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng.
Sau nhiều năm đào tìm trùn nước, cơ thể ông Nguyễn Có luôn rệu rã, đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. “Tuy kiếm được nhiều tiền hơn nhiều nghề khác ở địa phương nhưng việc săn tìm “rồng đất” cũng lắm cực nhọc vì cả buổi phải ngâm mình dưới nước, lại phải cố sức đào nhanh kẻo trùn chui sâu vào hang. Nhiều hôm mưa gió rét buốt, hai hàm răng cứ đánh vào nhau cành cạch dù liên tiếp vung cuốc mệt đến đứt hơi. Bởi vậy, cơ thể tôi luôn ê ẩm mỗi khi đêm về, cứ như bị cây đánh vào người” - ông Có than thở.
Dù kiếm được khoản tiền khá lớn sau mỗi buổi ngụp lặn dưới lòng sông nhưng ông Nguyễn Văn Hải nay vẫn nhất quyết bỏ nghề và chuyển sang thu mua “rồng đất” để bán lại kiếm lời. “Cái nghề này nó bạc như con nước ấy! Chỉ có những người tuổi đời từ 17 đến 30 mới đủ sức ngụp lặn chứ gần 40 như tôi, đành phải chấp nhận lên bờ kẻo có ngày chết mất xác. Suốt ngày cứ ngụp lặn đào bới, bao nhiêu chất thải xả xuống sông đều nhiễm vào người thì làm sao khỏi bệnh? Thôi thì tằn tiện chi tiêu, chứ nếu cứ đeo bám nghề ấy thì đến lúc ngã bệnh, sợ chẳng đủ tiền thuốc thang chữa trị” - ông Hải chiêm nghiệm.
Nhịn thèm
Bà Nguyễn Thị Cơ, người có thâm niên gần 10 năm thu mua trùn nước lợ ở Phổ Quang, cho biết: “Sau khi thu mua, “rồng đất” tươi được rửa sạch, lộn ruột, phơi khô để bán cho những tiệm thuốc bắc, nhà hàng, quán phở, bún, lẩu ở cả trong Nam, ngoài Bắc và xuất khẩu ra nước ngoài với giá mỗi ký lên đến hàng trăm ngàn đồng. Trùn được dùng để ngâm rượu, nấu cháo, chế biến món gỏi… với giá trị dinh dưỡng rất cao”.
“Trùn nước lợ có thể ngâm rượu để bồi dưỡng cơ thể, chữa trị đau nhức và đem lại sung mãn cho phái mày râu trong “chuyện ấy”. Chỉ cần dăm bảy lạng trùn dùng để nấu cháo hay chế biến món gỏi thì sau khi ăn xong, bà xã sẽ vui hết biết” - ông Phạm Văn Mịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phổ Quang, hóm hỉnh.
Tuy mỗi ngày đào được từ 5-10 kg “rồng đất”, có khi lên đến hàng chục ký nhưng anh Nguyễn Huệ, con trai ông Nguyễn Có, vẫn không dám thưởng thức hương vị của loài thủy sinh được xem là đặc sản này. “Mỗi ký trùn nước lợ khi chế biến còn không được bao nhiêu nên tiếc lắm, chẳng dám ăn. Thôi thì nhịn miệng để bán kiếm tiền lo cho gia đình” - anh tâm sự. Ông Nguyễn Văn Hải khẳng định: “Dù đào bắt được nhiều trùn nhưng người ta đều đem bán chứ ít ai dám ăn vì giá quá cao. Ngay cả tôi, mỗi ngày thu mua hàng trăm ký rồi bán lại kiếm lời chứ mấy khi dám đụng đến món ấy”.
Chiều trên sông Thoa, dòng nước xanh thẳm với những bóng người thoắt ẩn hiện ngụp lặn đào trùn nước. Đâu đó ở nhiều nơi, có thể trong lúc ấy, những thực khách lắm tiền đang thư thái thưởng thức bát cháo nóng hổi, đĩa gỏi ngon lành… được chế biến từ loài thủy sinh mà những người “trốn đời” dưới đáy sông đang mải mê kiếm tìm.
“Trốn đời” dưới đáy sông Sau vài giây ngụp lặn, “thợ săn” Trần Hải (18 tuổi, ở thôn Du Quang, xã Phổ Quang) lại ngoi lên tiếp thêm dưỡng khí qua nhịp thở vội vàng. Cứ vài lần như thế, mặt nước xao động mạnh với những nhát cuốc bổ vội của Hải. Thành quả là con trùn nước cố sức vùng vẫy, miễn cưỡng chui vào chiếc áo thun Hải đang bận trên cơ thể được buộc chặt sợi dây ngang hông ngăn chúng thoát ra bên ngoài.
|
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)