Tri ân liệt sĩ Gạc Ma

15/05/2012 03:00 GMT+7

Hôm nay, ngày 15.5, tại Đà Nẵng, Báo Thanh Niên gặp mặt tri ân và trao quà cho các gia đình có con hy sinh tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa từ 24 năm trước (14.3.1988).

Đồng hành cùng Báo Thanh Niên trong đợt 1 này là Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và bà Dương Minh Liễu, ở số nhà 34 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM, những người bạn thân thiết, luôn đứng bên cạnh và chia sẻ với chúng tôi trong nhiều hoạt động từ thiện từ nhiều năm nay. Họ cũng là những nhà tài trợ cho cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này.

Hơn 24 năm trước, Trường Sa dậy sóng. Những cái tên Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma đã trở nên thân thuộc và nhói buốt hơn bao giờ hết với tất thảy những người Việt Nam. Ngày ấy, với trái tim thiết tha giữ đất cùng bầu máu nóng và lòng căm giận ngút trời trước họa xâm lăng, 64 người lính đã ngã xuống dưới làn đạn tàn bạo. Các anh đã nắm chặt tay nhau như những tràng hoa muống biển, giăng ngang trời làm cột mốc biên cương trước khi vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Nhân dân cả nước đã nghiêng mình trước sự hy sinh cao cả đó. Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua, thân nhân của 64 người lính ấy rất cần một lời tri ân công khai, rất cần một câu trả lời minh bạch về số phận thân xác của con em họ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nằm ngoài ý muốn của rất nhiều người vẫn thường quan tâm đến trận hải chiến năm ấy, kỳ vọng đó đã không trở thành hiện thực.

 

Những cái tên Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma đã trở nên thân thuộc và nhói buốt hơn bao giờ hết với tất thảy những người Việt Nam

Ý tưởng cho cuộc gặp mặt 64 thân nhân liệt sĩ nhân 24 năm ngày các anh ngã xuống vẫn luôn thôi thúc trong lòng chúng tôi. Báo Thanh Niên và Hội Cựu chiến binh Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã khẩn trương bắt tay vào triển khai kế hoạch. Thế rồi đến giờ chót, cuộc gặp mặt các mẹ có con hy sinh ở đảo Gạc Ma tại Cam Ranh không thực hiện được, mặc dù công việc chuẩn bị gần như đã xong. Chúng tôi, những phóng viên của Báo Thanh Niên đã trở thành người mắc nợ các mẹ một lời hứa.

Đường xa, chân mỏi, tuổi già, các mẹ không về gặp nhau cùng một lượt như dự định sau lần bất thành cách nay 2 tháng, giờ buộc chúng tôi phải đến từng nhà. Thật lấy làm tiếc, người đã song hành với Báo Thanh Niên ngay từ lúc đầu, nay đã vắng mặt mà thay vào đó là Tập đoàn cao su Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và bà Dương Minh Liễu. Số tiền trao tặng đợt này cho mỗi gia đình là 15 triệu đồng. Chúng tôi tin là Hội Cựu chiến binh Tập đoàn dầu khí vẫn giữ lời hứa của mình với các mẹ như lúc ban đầu, và sẽ thực hiện vào một dịp gần nhất. Các mẹ đã yếu lắm rồi, quỹ thời gian không cho các mẹ có thể chờ lâu hơn được nữa.

Trong quá trình lần tìm địa chỉ các mẹ, chuẩn bị cho cuộc gặp mặt tại Cam Ranh cách đây 2 tháng, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến nhiều mẹ đã phải sống trong cô độc quạnh hiu. Nỗi cô độc ấy như được nhân lên trước câu hỏi vẫn thao thức trong lòng các mẹ suốt 24 năm qua: vì sao con mẹ không về, thân xác con mẹ giờ gửi nơi đâu... mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Số tiền tuất liệt sĩ mà các mẹ nhận được hằng tháng vẫn không xoa dịu được nỗi băn khoăn thường trực về số phận của con mình. Một Lê Thị Niệm, mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư ở Tây Hòa, Phú Yên suốt ngày ngồi cửa ngóng tin con; một Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc ở Hòa Cường, Đà Nẵng quanh năm đầu tắt mặt tối vẫn không thôi hy vọng sẽ tìm được thân xác con mình. Hôm nghe có người về xét nghiệm ADN để xem hài cốt vừa tìm được ở Trường Sa có “họ hàng” gì không, một lần nữa lại thổi bùng lên trong lòng người mẹ ngoài bảy mươi tuổi ấy những tia hy vọng mới, dù rất mong manh.

Bắt đầu từ Đà Nẵng hôm nay, bước chân của các phóng viên Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục dặm dài trên các nẻo đường để tìm địa chỉ của những “bà mẹ Gạc Ma”, từ Khánh Hòa cho đến Hải Phòng, Phú Thọ... Hy vọng rằng, các mẹ sẽ tìm được một chút ấm lòng từ những chuyến đi nghĩa tình và những lời thăm hỏi tận nơi như thế của nhà báo chúng tôi.

Trần Đăng - Tấn Tú

>> Đêm hoa đăng và lễ thượng cờ bên bờ Hiền Lương
>> Kỷ niệm 71 năm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa
>> Cụ bà, cụ ông cao tuổi nhất hiện sống tại TP.HCM
>> Ký họa chân dung 548 Mẹ Việt Nam anh hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.