Khám phá mới về nhật quyển

16/05/2012 03:40 GMT+7

Mặt trời và các hành tinh được bao phủ bởi bong bóng các hạt điện tích và từ trường gọi là nhật quyển. Ở rìa của nhật quyển, nơi nó va chạm với đám khí và bụi liên ngân hà, gọi là nhật mãn, đánh dấu ranh giới ngoài của hệ mặt trời.

Trong khoảng 1/4 thế kỷ, các nhà nghiên cứu cho rằng mặt trời di chuyển đủ nhanh để tạo ra vùng sốc hình vòng cung (bow shock), chỉ khu vực khí hoặc plasma đóng vai trò che chắn cho hệ thống hành tinh khi nó di chuyển trong vũ trụ. Giới thiên văn học từng quan sát được những vùng chắn như vậy ở các họ hàng của hệ mặt trời xa xôi khác, theo Trưởng nhóm nghiên cứu Dave McComas của Viện Nghiên cứu Tây Nam ở San Antonio, bang Texas (Mỹ).

 Khám phá mới về nhật quyển
Tàu IBEX đang hé mở những bí mật chưa từng biết về nhật quyển - Ảnh: NASA

Tuy nhiên, kết quả quan sát mới đây cho thấy một sự thật đáng ngạc nhiên: vùng sốc hình vòng cung không tồn tại do mặt trời di chuyển chậm hơn ta vẫn tưởng. “Cộng đồng thiên văn đã bỏ phí hơn 2 hoặc 3 thập niên để nghiên cứu một điều chẳng hề tồn tại trên thực tế”, Space.com dẫn lời chuyên gia McComas. Dữ liệu do tàu IBEX (tức tàu du hành xuyên ranh giới các vì sao) của NASA cho thấy mặt trời đang di chuyển xuyên qua mây liên ngân hà với tốc độ khoảng 83.700 km/giờ, chậm hơn đến 11.250 km/giờ so với ước tính trước đây. Tốc độ này không đủ để tạo nên vùng đệm đó, theo kết luận của ông McComas.

Những phát hiện trên có thể làm thay đổi sự hiểu biết lâu nay của giới khoa học về loại tia vũ trụ năng lượng cao vốn bị liệt vào dạng gây nguy hiểm cho các phi hành gia. Tìm hiểu sâu hơn về nhật quyển có thể giúp họ xác định được cách nó bảo vệ chúng ta trước những tia vũ trụ năng lượng cao gây nguy hiểm cho con người. “Nhật quyển che chắn được khoảng 90% tia vũ trụ”,

McComas cho biết. Nếu không nhờ nhật quyển, tia vũ trụ có thể ảnh hưởng đến các chuyến du hành xuyên không gian của con người, và thậm chí đe dọa luôn sự sống trên trái đất.

Hạo Nhiên

>> Tàu vũ trụ Dawn tiếp cận tiểu hành tinh Vesta
>> Tìm kiếm sự sống trên mặt trăng sao Mộc
>> Hành tinh nhí có núi khổng lồ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.