Sao không nhân rộng mô hình thực nghiệm ?

15/05/2012 03:31 GMT+7

Tại sao không nhân rộng mô hình như Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội để phụ huynh không phải chen lấn, xô đẩy trong việc tuyển sinh? Câu trả lời tưởng như đơn giản nhưng theo các nhà quản lý lại “rất khó” và còn phải tiếp tục chờ đợi.

>> Hàng trăm người xô đổ cổng trường để xin cho con vào lớp 1

Mua được đơn rồi vẫn lo

Trên diễn đàn web trẻ thơ, tâm sự của một bà mẹ khiến những thành viên tham gia diễn đàn rất đồng cảm: Cầm lá đơn trong tay rồi, mà lòng vẫn chùng xuống, đặt dấu hỏi lớn có qua được ngày đo nghiệm thể chất hay cũng lại hình thức vẽ ra cho những mẹ ngây thơ như mình đây?

Một mô hình được đưa ra thí nghiệm không nên kéo quá dài thời gian. Nếu hiệu quả thì cần nhân rộng còn nếu không thì phải xóa bỏ

Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT

Mang sự hồ nghi này hỏi ông Phan Văn Kha - Viện trưởng Viện Giáo dục (cơ quan quản lý trực tiếp Trường PTCS Thực nghiệm) thì nhận được lời khẳng định: “Sẽ không có chuyện tiêu cực. Chúng tôi giao quyền chủ động tuyển sinh cho trường nhưng Viện có chỉ đạo đảm bảo tuyển sinh công bằng, nghiêm túc”.

Tuy nhiên, ông viện trưởng cũng tỏ ra rất băn khoăn trong kỳ đo nghiệm của trường này sắp tới: Gần 1.000 cháu đi đo nghiệm mà chỉ hơn 100 cháu được vào là một việc làm bất đắc dĩ. Để các cháu đi đo nghiệm mà trong số 6-7 cháu mới có một cháu vào được trường thì phải làm thế nào để giải quyết vấn đề tâm lý “trượt” trong lần thử sức cho những cháu còn lại.

Ông Kha khẳng định việc đo nghiệm sắp tới sẽ không có yêu cầu gì mang tính chất đánh đố các cháu. Không yêu cầu kiểm tra kiến thức, không cần học sinh phải biết đọc, biết viết, biết làm toán... mà chỉ đo nghiệm về thể chất, các chỉ số IQ, EQ... nên chắc hẳn những cháu được chọn phải có chút may mắn vì có khả năng “trời phú” tương đối toàn diện.

Trước nhiều ý kiến khác nhau của dư luận xung quanh việc tuyển sinh của Trường PTCS Thực nghiệm thời gian gần đây, ông Lê Tiến Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT bày tỏ: không nên lấy chuyện tuyển sinh của một trường để nói rằng giáo dục đại trà của chúng ta hiện nay đang rất có vấn đề như có ý kiến phát biểu.

Theo ông Thành, trẻ em nên để cho chúng học ở một điều kiện phù hợp. Nhà nước đã lo đầy đủ chỗ học cho học sinh tiểu học, ở đâu có người học thì ở đó có trường học. Tất nhiên, cũng có trường tốt, có trường chưa tốt. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề mà Trường PTCS Thực nghiệm đang thực hiện và được phụ huynh đồng thuận như: phát huy tính tích cực, tính tự quản, tôn trọng tính sáng tạo của học sinh... thì đều là chủ trương chỉ đạo xuyên suốt và quyết liệt của Bộ đối với cấp tiểu học đại trà hiện nay.

Ông Thành cho rằng: “Những cái mới mà mô hình thực nghiệm đang áp dụng chỉ là một phần, còn rất nhiều điều mà phụ huynh muốn cho con vào, đó là một cơ sở vật chất tốt, nằm trên một địa bàn trung tâm, tiện lợi đưa đón, được học 2 buổi/ngày, sĩ số ít, có tiếng tăm. Tôi là người dân bình thường cũng muốn thử xem thế nào. Tuy nhiên, không nên đề cao một mô hình này mà phủ nhận những cái chúng ta đang có. Điều này sẽ gây áp lực cả cho trẻ con”.

Một chuyên gia giáo dục ở Hà Nội nói: rất nhiều trường công lập của Hà Nội hiện nay, nếu không phân tuyến tuyển sinh, cũng bán đơn cho tất cả phụ huynh có nhu cầu trên khắp địa bàn thành phố thì chắc chắn việc tuyển sinh cũng căng thẳng không kém Trường PTCS Thực nghiệm.

Ông Kha cũng thẳng thắn: nếu nói trường thực nghiệm tốt hơn, nổi trội hơn hẳn các trường công lập khác thì sẽ là cách nói chủ quan. Trường có những cái được và cả những cái chưa được.

Xô đổ cổng trường xin cho con vào lớp 1
Xô đổ cổng trường xin cho con vào lớp 1 là một hiện tượng xã hội gây chú ý dư luận trong mấy ngày qua - Ảnh: Ngọc Thắng

Hơn 30 năm vẫn... thí điểm

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên: “Tại sao Trường PTCS Thực nghiệm thành lập từ năm 1978, đã hơn 30 năm thành lập, được phụ huynh tín nhiệm như vậy rồi mà vẫn chỉ là... thực nghiệm?”. Ông Lê Tiến Thành cũng cho rằng: Một mô hình được đưa ra thí nghiệm không nên kéo quá dài thời gian. Nếu hiệu quả thì cần nhân rộng còn nếu không thì phải xóa bỏ. Ông Thành viện dẫn: Luật Giáo dục chỉ quy định có một chương trình, một bộ sách giáo khoa. Từ năm 2000, cả nước thực hiện chương trình sách giáo khoa do Bộ biên soạn nên không thể tùy tiện cho sử dụng các chương trình khác.

Trong khi đó, ông Phan Văn Kha cho biết: Viện chưa đề xuất với Bộ về việc nhân rộng mô hình của trường này vì thực nghiệm giáo dục khác với thực nghiệm khác, “dạy người” là vấn đề phức tạp. Trên cơ sở thực nghiệm của Viện thì Bộ cũng đã cho phép nhân rộng từng bước mô hình công nghệ giáo dục, trước hết là với môn tiếng Việt lớp 1. “Không thể ào ào đại trà được, những gì đưa vào thực nghiệm phải có tổng kết, đánh giá một cách khoa học chứ không phải chỉ bằng cảm tính. Khi chỉ là mô hình của một trường thì sẽ rất khác khi áp dụng đại trà, chỉ có thể tốt nếu điều kiện để thực hiện nó (giáo viên, cơ sở vật chất, phương pháp tổ chức...) phải tương ứng”, ông Kha nêu quan điểm.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Hà Nội chưa đăng ký áp dụng mô hình này vì nếu chỉ với môn tiếng Việt cho học sinh lớp 1 thì Hà Nội không gặp phải khó khăn như học sinh các tỉnh miền núi.

Còn ông Thành thì nói: “Hà Nội không đề nghị áp dụng mô hình này và Bộ không ép buộc bất cứ địa phương nào. Nếu đăng ký thì phải chịu trách nhiệm về điều kiện thực hiện như giáo viên, cơ sở vật chất”.

Trả lời câu hỏi liệu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 mà Bộ đang chuẩn bị thì công nghệ giáo dục có được đưa vào áp dụng đại trà hay không? Ông Lê Tiến Thành cho rằng: có nên sử dụng đại trà hay không thì Viện là cơ quan thực hiện thử nghiệm sẽ phải có trách nhiệm báo cáo và lúc đó Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ là người quyết định.

Ông Phan Văn Kha cho hay: Có thể mô hình này sẽ là một trong những lựa chọn mà Viện trình ra cấp quản lý. Tuy nhiên, ông Kha cũng nhấn mạnh: mô hình công nghệ giáo dục chỉ là một phần. Đổi mới chương trình sách giáo khoa thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào các vấn đề khác: chương trình, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học...

Đã có 16 tỉnh áp dụng một phần mô hình thực nghiệm

Ông Lê Tiến Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học- Bộ GD-ĐT cho hay kết quả công nghệ giáo dục vẫn là thành tựu được tiếp tục được thử nghiệm nhưng đã được nhân rộng. Cụ thể là đối với môn tiếng Việt. Một số địa phương xin phép Bộ cho phép đưa công nghệ giáo dục áp dụng vào dạy tiếng Việt lớp 1 đối với học sinh ở vùng có điều kiện khó khăn về học tiếng Việt, học sinh dân tộc và Bộ đã đồng ý. Năm ngoái triển khai 16 tỉnh, năm nay có thể thêm một số địa phương nữa.

>> Công an phải dìu từng phụ huynh qua cổng
>> Hàng trăm người xô đổ cổng trường để xin cho con vào lớp 1

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.