Cẩn trọng khi dùng thuốc giảm đau

16/05/2012 09:58 GMT+7

Kẹt cho dân ta là ít khi thầy thuốc lẫn nhà thuốc vui lòng hướng dẫn cho người bệnh về điều lợi - hại của thuốc. Nhiều nơi thậm chí bán thuốc theo kiểu khuyến mãi. Thuốc là thuốc hay thành thuốc độc là do cách sử dụng. Ranh giới giữa tác dụng và phản tác dụng thường rất mong manh.

Chẳng hạn như trong sử dụng thuốc giảm đau, các nhà thuốc bên CHLB Đức bị ràng buộc dưới sự theo dõi gắt gao và biện pháp chế tài nghiêm khắc của dược sĩ đoàn trong việc thường xuyên nhắc nhở khách hàng lưu ý các điểm dưới đây:

Đừng vội vã dùng thuốc giảm đau. Không đến độ phải cắn răng chịu đựng nhưng nên ưu tiên cho các phương pháp không dùng thuốc. Khi nào không ổn mới phải uống thuốc.

Luôn uống thuốc với nhiều nước. Tránh uống với nước trái cây để thuốc đừng mất hoạt tính một cách oan uổng; uống thuốc trong tư thế ngồi thẳng lưng để thuốc qua đoạn thực quản thật nhanh hầu tránh phản ứng phụ ở niêm mạc vốn mong manh trên đoạn cổ họng và thực quản.

Không dùng thuốc thì thôi, hễ uống thì đúng liều theo y lệnh của thầy thuốc. Đừng uống thuốc ở liều quá thấp cũng đừng dùng thuốc theo kiểu xuân thu nhị kỳ vì vừa dễ lờn thuốc vừa khó có tác dụng, ngoại trừ tác dụng... phụ!

Đừng mua thuốc với hàm lượng cao rồi chia làm đôi, làm tư vì có thể uống nhầm phần viên thuốc không có hoạt chất. Hậu quả là sau đó hoặc chê thuốc hoặc tăng đô dù không cần thiết.

Nếu phải dùng thuốc thì dùng cho sớm, đừng đợi cơn đau đến cực điểm mới đi mua thuốc. Tránh dùng nhiều loại thuốc giảm đau cùng lúc, nhất là khi thuốc không cùng một dòng sản phẩm, để tránh phản ứng tương tác khó lường. Với các loại thuốc đời mới, thường chỉ cần một loại đã đủ để giảm đau. Không tự ý dùng thuốc quá 3 ngày liên tục. Nếu triệu chứng không thuyên giảm thì phải đến thầy thuốc.

Ngay cả trong trường hợp dấu hiệu đau được cải thiện rõ rệt cũng không nên dùng thuốc quá 5 ngày mà không tham vấn ý kiến của thầy thuốc. Cần tầm soát nguyên nhân để được điều trị căn nguyên. Đừng quên mối liên hệ rõ ràng giữa nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, viêm loét dạ dày, trầm uất, phân liệt cá tính, viêm thận mãn... với việc lạm dụng thuốc giảm đau.

Tham khảo ý kiến của thầy thuốc nếu dùng thuốc giảm đau trong lúc đang điều trị căn bệnh khác. Dùng thuốc theo toa của thầy thuốc và theo lời chỉ dẫn của nhà thuốc. Đừng dùng thuốc theo lời khuyên của hàng xóm. Không dùng toa của người khác vì chưa chắc bệnh mình giống bệnh người ta.

Theo Người Lao Động

>> Thực phẩm giúp giảm đau, nhức mỏi
>> Thu hồi thuốc Cendocold và rút số đăng ký 4 loại thuốc
>> Nguyên nhân gây táo bón
>> Đối phó chứng đau nửa đầu
>> 6 năm mang khối u trên mặt
>> Vượt qua chứng đau đầu
>> Khổ vì rối loạn tiền đình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.