Trực tiếp thăm hỏi, tặng quà các mẹ và những người thân các liệt sĩ có anh Nguyễn Phước Lộc , Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông cùng đại diện các nhà tài trợ gồm Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) và đại diện Ban Tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Lãnh đạo các ngành chức năng TP.Đà Nẵng, quận Hải Châu, các cựu chiến binh, ĐVTN, cũng tham dự tại buổi tri ân và tặng quà đầy nghĩa tình này.
|
Trong số 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma 24 năm về trước thì Đà Nẵng có đến 9 liệt sĩ và 1 ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - liệt sĩ Nguyễn Bá Cường. Thân nhân cả 10 liệt sĩ đều có mặt đông đủ. Từ nhiều ngày qua, Văn phòng Báo Thanh Niên tại Đà Nẵng và Thành đoàn Đà Nẵng đã chuẩn bị chu đáo để đón các mẹ, các anh chị của liệt sĩ về địa điểm gặp mặt. Buổi lễ diễn ra trong không khí cảm động và ấm áp.
Đã 24 năm rồi, đây là lần đầu tiên có cuộc gặp mặt riêng các thân nhân liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988. Mẹ Nguyễn Thị Trước, 80 tuổi, thân mẫu liệt sĩ Phan Văn Lợi, dù đi lại đã bắt đầu khó khăn nhưng vẫn có mặt từ rất sớm, cảm động đến rơi nước mắt khi thấy mọi người cũng có mặt đông đủ. Tổng biên tập Nguyễn Quang Thông đã bày tỏ về ý nghĩa, mục đích của chương trình “Tri ân liệt sĩ Gạc Ma” với tâm nguyện luôn ghi lòng tạc dạ về sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ tại Gạc Ma để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Anh Nguyễn Bá Hùng, anh trai liệt sĩ Nguyễn Bá Cường, ở Điện Bàn (Quảng Nam), vượt hơn 40 cây số về Đà Nẵng mang theo lời nhắn gửi của mẹ anh - cụ bà Trương Thị Ngò (85 tuổi), vì sức khỏe yếu nên không về được, rằng mẹ rất biết ơn những người tổ chức cuộc gặp mặt đầy nghĩa tình này. Anh Hùng rất muốn lên phát biểu và chuyển lời cảm ơn của mẹ anh đến ban tổ chức, nhưng anh đã hiểu ra vấn đề khi nghe phản hồi từ BTC rằng lời cảm ơn phải là từ thế hệ trẻ gửi đến các mẹ, trong đó có mẹ anh!
Trong số 10 bà mẹ ở Đà Nẵng và Quảng Nam có con hy sinh tại Gạc Ma năm 1988, nay chỉ còn có 6 mẹ nhận được những lời tri ân cùng món quà đền ơn đáp nghĩa từ các nhà tài trợ. Sau bao năm chờ đợi tin con, nhiều mẹ đã phải trở về với cát bụi trong mòn mỏi khó nghèo. Những bà mẹ còn sống đến hôm nay cũng chẳng khá giả gì hơn. Mẹ Huỳnh Thị Kế, mẹ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn, đã 80 tuổi rồi vẫn phải nuôi chồng bệnh. Mẹ Nguyễn Thị Trước, mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi, tuổi cũng đã 80 nhưng vẫn phải chăm đứa con tật nguyền. Mẹ Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc, đã ngoài 70 tuổi rồi vẫn phải bươn chải kiếm sống hằng ngày... Vì vậy, bất cứ sự chia sẻ nào đối với các mẹ hôm nay cũng đều đáng quý. 20 triệu đồng cho mỗi gia đình liệt sĩ hôm nay là món quà ý nghĩa trong lúc khó khăn này. Tuy nhiên, nói như ông Lê Xuân Hòe, Phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam: “Đây chỉ là món quà nhỏ so với sự hy sinh to lớn của các anh. Chúng tôi muốn khơi dậy ngọn lửa yêu nước và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự hy sinh đó”. Còn ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐTV, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, thì chia sẻ: “Đây là việc mà chúng ta rất nên làm, làm nhiều hơn nữa và lẽ ra phải làm từ lâu...”.
Trong thời gian tới, đại diện Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục đến thăm trực tiếp tại nhà và tặng quà cho thân nhân của liệt sĩ Gạc Ma ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa..., tiếp theo đó là tại các tỉnh Nam Trung bộ.
Trần Đăng - Tấn Tú - Nguyễn Tú
Bình luận (0)