Tiểu thương Chợ Lớn Quy Nhơn kêu cứu

17/05/2012 03:50 GMT+7

Sau hơn 4 tháng Trung tâm thương mại Chợ Lớn Quy Nhơn đi vào hoạt động, nhiều tiểu thương thuộc diện ưu đãi (trong vụ cháy chợ cuối năm 2006) vẫn chưa thể bắt đầu kinh doanh hoặc bán cầm chừng bởi hàng loạt các quy định kiểu “ngăn sông cấm chợ” từ chủ đầu tư trung tâm.

Sau hơn 4 tháng Trung tâm thương mại Chợ Lớn Quy Nhơn đi vào hoạt động, nhiều tiểu thương thuộc diện ưu đãi (trong vụ cháy chợ cuối năm 2006) vẫn chưa thể bắt đầu kinh doanh hoặc bán cầm chừng bởi hàng loạt các quy định kiểu “ngăn sông cấm chợ” từ chủ đầu tư trung tâm.

 Tiểu thương Chợ Lớn Quy Nhơn kêu cứu
Hàng ăn uống, đồ khô ở tầng 1 bị che chắn kín mít - Ảnh: Trần Thị Duyên

Trung tâm thương mại Chợ Lớn Quy Nhơn được xây dựng trên nền đất chợ Lớn bị cháy theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Theo cam kết của nhà đầu tư, các tiểu thương bị thiệt hại trong đợt cháy chợ sẽ được phân lô, ưu đãi miễn tiền thuê mặt bằng trong 2 năm đầu và giảm 50% ở 5 năm tiếp theo. Sẽ không có gì đáng nói nếu các hộ tiểu thương này không “ngẫu nhiên” bị dồn vào một góc ít người lại qua. Họ cũng không được chuyển đổi mặt hàng kinh doanh kể cả khi không phù hợp với các sạp hàng cùng tầng. Chẳng hạn, 5 hộ tiểu thương diện ưu đãi được nhận lô tại tầng 2 để bán đồ điện, một số khác bán mặt hàng đường, đậu. Trong khi đó, hơn 70% sạp hàng khác tại tầng 2 kinh doanh các hàng quần áo, giày dép, kẹp cài…

Tiểu thương Trương Thị Thu Thảo bức xúc: “Khi phải nhận lô trong góc, tui cũng chấp nhận nhưng ai mà lên đây mua bóng đèn, dây diện trong khi xung quanh bán toàn quần áo? Buôn có hội, bán có phường. Tụi tui chỉ xin chuyển qua bán như họ cho đồng bộ với cả tầng mà không được”. Thậm chí chủ đầu tư còn đến lập biên bản tại sạp hàng của bà Nguyễn Thị Dung vì bà đăng ký kinh doanh mặt hàng đường, đậu, gia vị nhưng có bán dầu ăn, trà sữa, mì tôm, nước mắm, bột giặt… với lý do “kinh doanh không đúng ngành hàng đã đăng ký”.

Đau khổ nhất vẫn là các sạp hàng ăn uống, đồ khô dưới tầng 1. Không hiểu vì lý do gì mà chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh lại dồn hơn 30 sạp hàng vào một góc rồi che chắn gần như kín mít khu vực bên trong, chỉ để hở một cánh cửa và một lối đi nhỏ. Nhiều khách tham quan, mua sắm tại đây nhầm tưởng đó là nhà kho, thậm chí tưởng là khu vực cách ly hoặc khu nhà vệ sinh.

Ngoài việc dựng rào chắn kiểu “kín cổng cao tường”, bên trong các hộ này không có hệ thống cấp và thoát nước. Các hoạt động, sinh hoạt của họ phải tự vón vén trong mấy thùng, thau chậu nước mang từ nhà lên. Không ít tiểu thương diện ưu đãi ở tầng 1 lắc đầu ngán ngẩm: “Nếu cứ kéo dài tình hình này chỉ có nước bỏ sạp ra ngoài chứ chịu sao thấu”.

Khiếu nại của tiểu thương là có cơ sở

Trong cuộc họp mới đây tại UBND TP.Quy Nhơn, bà Lê Thị Xuân Loan - Trưởng phòng Kinh tế UBND TP.Quy Nhơn - khẳng định: “Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và kết luận việc các hộ tiểu thương khiếu nại là có cơ sở. UBND TP.Quy Nhơn đã nhiều lần yêu cầu Công ty An Phú Thịnh tháo dỡ những vách ngăn để tạo điều kiện cho các hộ tiểu thương buôn bán. Trong thời gian tới, nếu Công ty An Phú Thịnh vẫn không chịu tháo dỡ những vách ngăn này, chúng tôi sẽ tiếp tục can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho các hộ tiểu thương thuộc diện ưu đãi đang kinh doanh tại Trung tâm thương mại Chợ Lớn Quy Nhơn”.

Trần Thị Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.