Chung tay xây dựng nông thôn mới

17/05/2012 09:18 GMT+7

Hiện nay, đến bất cứ vùng nông thôn nào của Cà Mau đều thấy không khí xây dựng nông thôn mới (NTM) đã len lỏi vào từng xóm ấp, từng hộ gia đình.

Chung tay xây dựng nông thôn mới
Cầu GTNT được xây dựng từ sức dân ngày càng phổ biến ở Cà Mau - Ảnh: Chí Tín

Sức dân là đòn bẩy

Trước đây, ở xã Tân Lộc Bắc (H.Thới Bình), việc đi lại và mua bán của người dân gặp rất nhiều khó khăn vì cầu bắc qua các con kênh chỉ bằng những thân cây gỗ. Trước tình hình đó, anh Lê Hoàng Tâm - Trưởng ban nhân dân ấp 6 đã bàn bạc với những nông dân trong ấp về việc bắc cầu bê tông qua các trục kênh chính. Nghe kế hoạch trên, anh nông dân Nguyễn Văn Yên đã tự nguyện bỏ ra hơn 30 triệu đồng và vận động các thành viên trong gia đình cùng góp tiền xây cầu.  Anh Yên bộc bạch: “Đóng góp để xây cầu cho bà con đi lại tiện lợi là mình đã chung tay xây dựng quê hương, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc”.

Những chiếc cầu giao thông nông thôn (GTNT) được xây dựng từ sức dân ở Cà Mau ngày càng phổ biến. Theo số liệu thống kê từ các địa phương trong tỉnh, hằng năm, số vốn huy động từ chương trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” lên đến hàng trăm tỉ đồng. Nhờ đó, GTNT ở Cà Mau ngày càng phát triển, giao lưu hàng hóa giữa nông thôn và thành thị được mở rộng, qua đó nâng cao mức sống cho người dân.

Sau khi tách ra từ xã Tân Duyệt (H.Đầm Dơi) vào đầu năm 2006, xã Tân Dân có rất ít những con lộ bằng bê tông. Tuy vậy, gần 5 năm qua, 5/5 ấp của xã đã xây dựng được hơn 51 km lộ bê tông, giúp người dân đi lại dễ dàng. Trong đó, số tiền người dân đóng góp khoảng 4 tỉ đồng. Lộ hoàn thành tới đâu, cầu được triển khai xây dựng tới đó. Đến thời điểm này, xã Tân Dân đã có 29 cây cầu bắc qua các tuyến sông, rạch; trong đó có 21 cây cầu nằm trong đề án 1.588 cây cầu GTNT của tỉnh. Điều đáng nói là các cây cầu nằm trong đề án nói trên đều được người dân đóng góp hàng chục triệu đồng/cây. Năm 2011, tuyến đường từ trung tâm H.Đầm Dơi về xã Tân Dân đã được khởi công. Đây là đường ô tô cấp 4 đồng bằng dài gần 10 km với tổng số vốn đầu tư 16 tỉ đồng.

Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, Cà Mau đã hoàn thành đề án xây dựng NTM và đang trong giai đoạn triển khai thực hiện. Theo đó, năm 2011, tỉnh đã bàn giao số vốn gần 13 tỉ đồng; trong  đó ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 4 xã trọng điểm là Tân Hải (H.Phú Tân), Tân Dân (H.Đầm Dơi), Trí Lực (H.Thới Bình), Trần Hợi (H.Trần Văn Thời) và vốn lập quy hoạch cho 82/82 xã trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, vấn đề xây dựng NTM ở Cà Mau đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Tiêu chuẩn để các xã được công nhận là NTM khá cao và chưa phù hợp so với thực trạng của địa phương. Thêm vào đó, các xã cần nguồn kinh phí đầu tư lớn và phải có thời gian thực hiện khá dài. Ngoài ra, đời sống nhân dân còn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, các loại hình phát triển sản xuất kinh doanh chậm phát triển… Vì vậy, dù nhận thức của người dân về vấn đề xây dựng NTM đã được nâng lên nhưng tỉnh vẫn còn gặp một số vướng mắc trong công tác vận động.

Tại hội nghị trực tuyến về xây dựng NTM do Chính phủ tổ chức, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho rằng cần phải căn cứ vào điều kiện của từng vùng để lập tiêu chí cho phù hợp. Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 nên áp dụng cách tính thu nhập đạt chuẩn tương đương 1,4 lần so với thu nhập bình quân trên địa bàn nông thôn của địa phương. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có giải pháp để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, khơi thông tiềm lực cho doanh nghiệp ở nông thôn… Xét điều kiện, tiềm năng và lợi thế của Cà Mau hiện nay, việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp là việc làm hết sức cần thiết trong tiến trình xây dựng NTM.

Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã làm tốt việc phát huy nguồn lực nhân dân để xây dựng và phát triển nông thôn. “Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là mỗi cán bộ, đảng viên phải là đầu tàu trong các phong trào. Có như vậy mới tạo sự chuyển biến sâu sắc đến đại bộ phận người dân, để từ đó vận động nhân dân tham gia theo đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân thực hiện” trong quá trình xây dựng NTM”, ông Phạm Thành Tươi nhấn mạnh. 

Chí Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.