Ca sĩ Mỹ gốc Việt khát khao tìm mẹ

19/05/2012 09:20 GMT+7

(TNTS) Từ một cậu bé mồ côi phải sống trong cô nhi viện, rồi trở thành ca sĩ nổi tiếng tại Mỹ, đứng trên sân khấu với những tên tuổi hải ngoại: Giao Linh, Thanh Tuyền, Quang Lê... Randy vẫn đau đáu nỗi niềm tìm lại người đã dứt ruột sinh ra mình.

Nhờ vốn tiếng Việt khá sõi do hồi còn nhỏ sống với ba má nuôi ở thôn 3, Cẩm Hòa (TP Hội An, Quảng Nam) nên trong câu chuyện với chúng tôi Randy khá thoải mái và hay pha trò, thỉnh thoảng lại chêm thêm vào mấy câu “thèm uống rượu gộ”, “bó tay chấm com”... rất dễ gần.

“Hồi đó nhà nghèo, tôi phải đi chăn bò lam lũ lắm. Bố mẹ nuôi làm ruộng vất vả không đủ ăn nên đành bán tôi cho một gia đình giàu có ở Hội An với giá 3 cây vàng, mong muốn sau này làm hồ sơ để họ... kiếm cớ qua Mỹ” - ca sĩ Randy kể.

“Mặc dù “danh chính ngôn thuận” đều đầy đủ cha mẹ nhưng thực tế chẳng ai lo lắng cho cả, tôi sống vất vưởng bụi đời, nhiều đêm ngủ trong các miếu, mộ hoang vắng, giờ nhớ lại còn rùng mình. Năm 1990, khi xuất cảnh theo diện con lai, tôi “gánh” theo cả gia đình người đã mua tôi ở Hội An để làm tròn trách nhiệm. Thời điểm đó, ở “bển”, nhờ karaoke đang khá thịnh hành nên nhiều bạn bè... phát hiện giọng ca của tôi khá “trữ tình, lãng mạn”, họ động viên tôi đi thi hát. Chưa có việc làm, lại sẵn máu văn nghệ trong người nên tôi quyết định ghi danh, nhờ giải nhất vô giá đó mới có giọng ca của Randy bây giờ. Sau này, Trung tâm Hải u của cố nhạc sĩ Thu Hồng để ý, mời tôi cùng song ca với ca sĩ Mỹ Huyền nên bắt đầu tên tuổi của tôi được nhiều nơi biết đến”, Randy nhớ lại.

Ca sĩ Mỹ gốc Việt khát khao tìm mẹ 
Ca sĩ Randy - Ảnh: Lữ Đắc Long

Cuộc đời chuyển sang trang mới với hàng loạt lời mời biểu diễn khắp nước Mỹ nhưng cậu bé mồ côi phố cổ thuở nào vẫn không quên nguồn cội và sự khát khao đi tìm người mẹ đã sinh ra mình. Anh quyết định về hát ở Việt Nam để có cơ hội gặp và tìm được mẹ. Sự khởi đầu thật thuận lợi khi cuối năm 2010, Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông (TP.HCM) đã xin được giấy phép chính thức cho anh về hát tại Việt Nam. Randy mừng mừng tủi tủi, nghe điện thoại xong ngồi khóc nức nở như một đứa trẻ.

Thiếu vắng tình thương của các đấng sinh thành, anh chỉ biết khỏa lấp nỗi nhớ mong ấy bằng những sáng tác viết về mẹ. 16 bài hát của Randy cứ nối tiếp nhau ra đời, trong đó những bài mà ca từ và giai điệu bàng bạc hình tượng về quê hương khiến cho nhiều bà mẹ bật khóc ngay tại sân khấu: “Mẹ, mẹ ơi con về quê mẹ/ Đón giao thừa chúc Tết đầu năm/ Vui làng xóm vui cùng lớp trẻ/ Tha thiết tình người, thắm thiết tình quê...”. Theo anh, không có gì hạnh phúc bằng được nằm trong nôi nghe tiếng mẹ à ơi: “Mẹ ơi, con quỳ lạy bên mẹ/Xưa một lần lạy mẹ con đi/Xa là nhớ con hoài ghi nhớ/Nhớ câu hò giấc ngủ mẹ ru...”.

Cuộc hành trình tìm mẹ của Randy nương theo nghiệp hát để kiếm sống cứ trải dài khắp từ Bắc vào Nam. Đến đâu anh cũng trình bày nguyện vọng tha thiết này và mỗi lần như thế Randy lại nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ khán giả. Ngày về Hội An hát, mọi người ở đây vẫn nhận ra cậu bé Trần Quốc Tuấn lai đen chăn bò ngày nào giờ đã là ca sĩ Randy nên đến ủng hộ rất đông.

Lần theo sự hồi tưởng của người thân và bà con, anh tới cô nhi viện Khánh Tân (Đà Nẵng) tìm gặp sơ Hồng và sơ Báu, hai người đã từng chăm sóc Randy, nhưng sơ Hồng đã mất. Hồ sơ trên giấy tờ của anh cũng chỉ có vài thông tin ngắn ngủi: Tên: Trần Quốc Tuấn (Randy). Sinh ngày: 25.1.1971 tại Bệnh viện Hải Châu (Đà Nẵng). Cô nhi viện Khánh Tân nhận nuôi ngày 26.2.1971.

Khi Randy biểu diễn ở phòng trà Tiếng Xưa (TP.HCM), nhiều bà mẹ thất lạc con ở miền Tây, Nam Trung bộ, và cả ở Sài Gòn hay tin đã đến ngồi lặng lẽ nghe anh trải lòng về tình mẫu tử. Ai cũng cảm động trước ước muốn của Randy. Có người như cô Hương Hoa (Q.12) mặc dù thông tin không trùng khớp với anh nhưng lần nào Randy về Việt Nam, cô cũng đều đến thăm, mua bánh mừng sinh nhật muộn và lì xì đầu năm mới.

Ở Đà Nẵng, có bà mẹ nay đã 77 tuổi (trước đây bị lính Mỹ hiếp dâm không cho gia đình biết) bí mật gọi điện cho Randy với hy vọng gặp con trai vào cuối đời. Qua kiểm chứng ngày tháng năm và nơi sinh đều phù hợp nhưng dấu vết trên cơ thể lại không đúng. Hay có một người mẹ Quảng Nam chồng mất sớm, trong quá trình bươn chải mưu sinh, bà bén duyên với một người Mỹ đen sinh ra đứa con nhỏ đã bị thất lạc cũng tìm đến...

Randy tâm sự: “Mặc dù ước mơ chưa thành hiện thực nhưng trong cuộc hành trình không biết mệt mỏi này, tôi đã có thêm rất nhiều người mẹ và nhận ra tình người nơi quê hương thật sự ấm áp đối với một đứa con mồ côi xa xứ. Và chính sự đồng cảm thiêng liêng ấy khiến cho niềm tin trong tôi ngày càng mãnh liệt. Chắc mẹ của tôi đang ở đâu đây rất gần rồi”.

Lê Công Sơn

>> Quang Lê ra mắt album đầu tiên tại VN
>> Quê hương - Giấc mơ
>> Cát sê của Quang Lê hát đám cưới “khủng” gấp 5 lần tại Mỹ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.