(TNO) Tối 17.5, đứa bạn rủ rê: “Ở Pháp đang diễn ra liên hoan phim Cannes thì ở Việt Nam cũng có liên hoan phim độc quyền kiểu sinh viên. Có muốn xem không?”. Tò mò, tôi quyết định đến dự liên hoan phim Tôi kể do sinh viên Khoa báo chí, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM tổ chức.
Sáng tạo kiểu... sinh viên
Đây là năm thứ hai, giảng viên Vũ Hải Sơn biến bài thi cuối kỳ môn quay và dựng phim trở thành một "liên hoan phim" của sinh viên.
14 phim ngắn là 14 sự sáng tạo độc đáo từ nội dung đến cách làm phim của các sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM.
|
Hai chiếc ống nước, một cái dĩa nhôm, vậy là thành một thiết bị dolly (giúp máy quay di chuyển đều) cho nhóm làm phim kinh dị Chết đôi.
Chú chó, con thỏ, con cá, con gà, con rùa và hamster lại thành ra một câu chuyện về anh chàng hamster đỏm dáng tìm mọi cách chinh phục cô thỏ trắng kiêu kỳ trong phim Điệp vụ bất khả thi.
Sự sáng tạo có khi chỉ là một nhóm nữ sinh viên vác máy quay đi khắp các nẻo đường, ngõ hẻm để tạo nên một Sài Gòn trong tôi thật trong trẻo, bình yên, vừa quen vừa lạ với cà phê bệt, cắt tóc hè phố…
Hay trong bộ phim Hai lúa phiêu lưu ký đoạt giải phim hay nhất của nhóm sinh viên báo chí truyền thông lớp BCK08 tại "liên hoan phim" năm ngoái, các bạn tự mày mò trên mạng để nghiên cứu những kỹ xảo làm lửa cháy, tàng hình, phép thuật…
|
Sự sáng tạo này còn mang đến cho họ những bài học và kỷ niệm không thể nào quên. “Giờ thì bạn nào muốn hỏi kinh nghiệm nuôi thú cưng thì cứ tìm gặp bọn mình”, nhóm làm phim Điệp vụ bất khả thi tự hào về khả năng chăm sóc vật nuôi sau bảy ngày liên tiếp quay phim với diễn viên chính là những con vật.
Để thực hiện một bộ phim mà “diễn viên” thú cưng nói năng, hành động theo kịch bản không phải là chuyện dễ. Nhóm đã phải ngồi canh gần nửa tiếng đồng hồ mới ghi hình được con cá cử động miệng như đang nói chuyện rồi lại phải kiên nhẫn chờ bác rùa “xuất đầu lộ diện” vì cứ biết có người là bác lại rụt cổ vào.
Lắng đọng nhiều cảm xúc
Là sản phẩm của sinh viên báo chí nhưng những bộ phim này không hề khô khan mà mang đến nhiều cảm xúc và suy ngẫm.
|
Phim ngắn Cuộc gọi lúc nửa đêm dựa trên tác phẩm The Call At Midnight của tác giả Christie Craig đã khiến nhiều người có mặt tại "liên hoan phim" phải bật khóc.
Phim kể về đứa con gái bị cuốn theo những cuộc chơi, vô tâm với mẹ để rồi trước những va vấp trong cuộc đời, đứa con nhận ra rằng không gì thiêng liêng bằng tình mẫu tử.
Câu chuyện này có thể nhiều người đã gặp trên phim, thấy ở xung quanh hay thậm chí là chính mình từng trải qua nhưng với sự hóa thân tuyệt vời của cô sinh viên báo chí và cảm xúc thật của nhóm làm phim thì khó ai kiềm được cảm xúc.
Cuộc gọi lúc nửa đêm đoạt giải phim hay nhất, quay phim, hậu kỳ và diễn viên xuất sắc nhất.
Để lại sự day dứt không nguôi còn là phim Bạn đến trễ, bộ phim đoạt giải kịch bản hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất và phim được yêu thích nhất.
|
Những thước phim rất đẹp và nên thơ về một anh chàng bán báo say mê giọng hát phát ra từ một ngôi nhà của một cô gái. Cả hai chưa từng gặp gỡ mà chỉ trao đổi với nhau bằng những mẩu giấy luồn qua khe cửa.
Nhưng kết thúc phim, người xem giật mình khi biết rằng anh chàng bán báo không còn tồn tại trên cõi đời còn bên trong ngôi nhà lại là di ảnh của cô gái bên nhánh hoa lan.
Thay vì khiến người ta trăn trở rằng các nhân vật ở cõi âm hay cõi dương, nhóm làm phim lại gửi đến một thông điệp mở: mọi việc đơn giản chỉ là sự đồng điệu của hai tâm hồn.
Ra về sau khi thưởng thức trọn vẹn một "buổi tiệc" đầy cảm xúc, tôi nhớ đến lời phát biểu của đạo diễn Đỗ Phú Hải, khách mời tham dự "liên hoan phim": “Cứ tưởng sinh viên báo chí sẽ nhìn mọi việc dưới góc độ cứng ngắt, với những nhận xét mang tính kinh điển nhưng thật bất ngờ là trí tưởng tượng của các bạn vô cùng phong phú. Từng góc máy, từng cảnh quay cho thấy sự sâu sắc và cả sự yêu nghề của các bạn”.
Thiên Hương
>> Bi hài phim trường "cảnh nóng
>> Sinh viên làm phim vật vã với cảnh "nóng”
>> Trở về dòng phim đồng quê
>> Tự nhiên như "Dành cho tháng 6
>> Những “điểm nóng” tại Cannes
>> Tưng bừng khai mạc LHP Cannes 2012
>> Đặc sắc LHP châu u 2012
>> Làm phim nông thôn vì “dốt” đề tài thành thị
>> Phim "Bẫy cấp 3" không được duyệt chiếu rạp
Bình luận (0)