Rối loạn tiêu hóa ở trẻ con

19/05/2012 03:39 GMT+7

Nhiều bà mẹ vì nôn nóng, muốn con chóng lớn, nên ép trẻ ăn uống quá nhiều, dễ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, sai lầm của các bà mẹ nuôi con nhỏ đó là, vì nôn nóng muốn cho con mình ăn được nhiều để mau lớn, nên cho bé ăn uống quá nhiều; hoặc bé còn nhỏ chưa ăn bột, hay ăn cơm được, nhưng cũng ráng ép bé ăn (vì nhiều người nghĩ rằng ăn cơm cho trẻ mau cứng cáp), nên dễ khiến trẻ bị đầy bụng, đầy hơi, khó tiêu.

Còn TS-BS Cao Thị Thu Hương (Viện Dinh dưỡng quốc gia) báo cáo tại hội thảo về chủ đề sức khỏe đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ, do Viện Dinh dưỡng tổ chức ở TP.HCM hôm 15.5, thì cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,5 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị trục trặc liên quan đến đường tiêu hóa, trong đó trẻ ở châu Phi và châu Á chiếm hơn một nửa.

 Rối loạn tiêu hóa ở trẻ con
 Dinh dưỡng phù hợp sẽ bảo vệ đường tiêu hóa của trẻ - Ảnh: Shutterstock

Riêng ở Việt Nam, số liệu theo dõi của đơn vị khám tư vấn dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng trên 19.388 trẻ ghi nhận, tỷ lệ trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa (như: tiêu chảy, nôn trớ, táo bón, đầy hơi, khó tiêu, đi tiêu phân sống) là hơn 47%. Còn tại Viện Nhi trung ương (Hà Nội), thống kê cho thấy rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy chiếm tỷ lệ khá cao ở trẻ, nhiều nhất là trẻ dưới 12 tháng (chiếm hơn 59%), kế đó là trẻ từ 1 đến dưới 2 tuổi (chiếm gần 40%), riêng trẻ từ 2-3 tuổi chiếm ít hơn.

Các bác sĩ cho rằng, hệ tiêu hóa ở trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện, vì vậy, để tránh các rối loạn như đầy hơi, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy, giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động khỏe mạnh thì cần phải có phương pháp dinh dưỡng hợp lý, đúng thời điểm và phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Tùy từng tháng tuổi ở mỗi bé, các bà mẹ nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống.

Cần tránh sai lầm hay gặp như: cho ăn dặm cơm, bột quá sớm; “ham” cho bé ăn quá nhiều món trong ngày. Bác sĩ khuyên, khi cho bé ăn món mới nào đó, thì nên cho bé ăn món đó từ 2-3 ngày để bé quen, rồi mới đổi qua món mới khác, không nên cho bé dùng nhiều món mới trong một ngày; tránh ép bé ăn quá nhanh. 

Những nôn nóng, hoặc sai lầm của các bà mẹ nuôi con nhỏ dễ làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa. TS-BS Cao Thị Thu Hương cho rằng, khi bé bị rối loạn tiêu hóa thường xuyên, sẽ dẫn đến trẻ kém hấp thu, dung nạp các chất bổ dưỡng từ thức ăn; đưa đến kém phát triển, hoặc suy dinh dưỡng.

Thanh Tùng

>> Dinh dưỡng cho sức khỏe hệ tiêu hóa của trẻ
>> Ăn uống bảo vệ hệ tiêu hóa
>> Món ăn bài thuốc trợ tiêu hóa
>> Ăn uống trợ tiêu hóa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.