Phập phồng chỗ học cho trẻ mầm non

19/05/2012 03:36 GMT+7

Chưa tới hè nhưng nhiều phụ huynh đã lo lắng không có chỗ học cho con ở nhà trẻ, mẫu giáo vào năm học mới vì chủ trương ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi.

>> Gian nan đường đến trường
>> Kiểm định trường mầm non  

Nguy cơ xóa sổ nhà trẻ

Theo thống kê của Hội Khuyến học Hà Nội, hơn 800 trường mầm non (MN) của Hà Nội chỉ nhận được 26,8% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 83,5% trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Nếu đưa đủ số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến lớp thì sẽ không có đủ phòng học cho các lứa tuổi khác. Vì vậy, chưa nói đến việc các trường MN phải tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên (theo Điều lệ trường mầm non) mà số trẻ từ 12 - 36 tháng tuổi được đi học tại trường công lập cũng đang có xu hướng giảm dần.

Phập phồng chỗ học cho trẻ mầm non
Trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ ngày càng ít có cơ hội vào các trường mầm non công lập - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trường MN Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội) dù có truyền thống đến 50 năm, đi lên từ mô hình nhà trẻ nhưng đến nay đã đóng cửa hẳn lớp nhà trẻ. Trường MN Việt - Bun, chỉ còn 2/18 lớp và không còn lớp dưới 12 tháng tuổi. Trong khi đó, việc phổ cập cho trẻ 5 tuổi đang khiến các trường phải gồng mình với sĩ số lên tới 60 - 70 trẻ/lớp.

Bà Nguyễn Tú Anh - Hiệu trưởng Trường MN 10.10 (Q.Hoàng Mai) - cho hay: “Trẻ mẫu giáo càng đông thì số lớp dành cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ngày càng teo tóp. Năm học trước trường tuyển được 3 lớp nhà trẻ thì năm nay chỉ có thể tuyển được 1 lớp. Dự báo năm học tới lớp nhà trẻ sẽ bị xóa sổ luôn vì không có phòng trống”. Năm học này Trường MN Hoàng Văn Thụ cũng dừng tuyển sinh lớp nhà trẻ. Bà Trần Thị Ngọc Minh - Hiệu trưởng, trần tình: “Chúng tôi không muốn phải cắt giảm tuyển sinh lứa tuổi nào cả nhưng cơ sở vật chất nhà trường có hạn trong khi nhu cầu trẻ muốn tới trường quá đông”.

Chỉ 21,5% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ được đi học

Theo PGS-TS Lê Thị Ánh Tuyết - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục MN, việc quy mô không đáp ứng nổi nhu cầu là bức xúc lớn nhất của giáo dục MN hiện nay. Cụ thể, năm học 2010-2011, chỉ có 21,5% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học. Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết tỉnh Bình Dương, Nghệ An là 2 địa phương gặp nhiều trở ngại nhất trong việc duy trì lớp cho trẻ dưới 5 tuổi. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, nhiều nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng liên quan tới thực trạng nói trên. Trả lời đại biểu Quốc hội bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thẳng thắn thừa nhận tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố, thị xã, nơi đông dân cư, khu công nghiệp, do khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, thiếu phòng học và giáo viên, nên việc thu nhận trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 18 tháng tuổi tại các trường công lập còn nhiều hạn chế.

 

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân cho hay: “Chúng tôi vẫn khuyến khích các cơ sở MN nhận trẻ lứa tuổi 24-36 tháng trong điều kiện có thể thu xếp được nhưng không thể đáp ứng hết nhu cầu. Riêng lứa tuổi từ 18 tháng trở xuống, hầu hết cơ sở MN trên địa bàn không thể nhận”. Trước thực trạng này, đại diện  Hội Khuyến học Hà Nội nhận định: “Trẻ dưới 12 tháng tuổi gần như không có nổi một chỗ học trường công nào tại Hà Nội”.

Không được học trường tư

Hơn nửa tháng qua, hàng trăm phụ huynh ở TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) mất ăn mất ngủ trước thông tin trẻ 5 tuổi sẽ không được học ở trường MN ngoài công lập vào năm học tới.

Ngày 27.4, Phòng GD-ĐT TP.Bảo Lộc ban hành Văn bản số 97 có nội dung: “Các trường MN công lập có nhiệm vụ tuyển sinh 100% trẻ 5 tuổi trên địa bàn để thực hiện công tác phổ cập giáo dục cho trẻ MN 5 tuổi, sau đó nếu còn điều kiện thì tuyển sinh trẻ em 4 tuổi. Các trường MN ngoài công lập tuyển sinh trẻ nhà trẻ (từ 0 - 2 tuổi) và trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi”. Vì vậy, năm học sắp tới, các trường MN ngoài công lập trên địa bàn không dám nhận trẻ 5 tuổi, trong khi đó các trường MN công lập phải “nói không” với nhiều trẻ dưới 5 tuổi vì không đủ phòng học.

Anh Nguyễn Khánh Thiện cùng hàng chục phụ huynh khác có con em đang học lớp chồi Trường mẫu giáo tư thục Họa Mi (phường 2) bức xúc: “Con em chúng tôi đều học từ lớp mầm đến lớp chồi rất tốt tại trường này bỗng dưng năm học đến lại không được học lớp lá tại đây. Việc này thật vô lý”. Còn anh Lê Hiệp có con 3 tuổi đang học tại Trường MN công lập Hoa Lư (phường Lộc Sơn), cũng bất bình: “Nghe nói sang năm vì trường nhận trẻ 5 tuổi không còn phòng nên con tôi phải chuyển ra trường tư thục học lớp chồi, tôi không đồng ý”. Phụ huynh khác trách móc: “Đang yên đang lành, tự nhiên gây rắc rối, phức tạp. Nếu tìm không ra trường để chuyển, chẳng lẽ để các cháu ở nhà”.

Bà Lương Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường MN Thanh Xuân (xã Lộc Thanh), cho biết: “Theo hướng dẫn của cấp trên, trường đang xây dựng kế hoạch cho năm học đến theo hướng mở tất cả 5 lớp lá cho trẻ 5 tuổi, không mở các lớp nhỏ tuổi hơn vì không còn phòng học”. Ông Lê Minh Tuấn - Phó chủ tịch UBND phường Lộc Sơn, cho hay: “Theo hướng dẫn, năm học đến, học sinh đang học 2 lớp mầm ở Trường MN Hoa Lư phải ra ngoài. Việc tìm trường tư thục cho các cháu này học sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là với những gia đình nghèo khó…”. Trong khi đó, ông Từ Ngọc Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Bảo Lộc - cho biết: “Đây mới chỉ là hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch chứ đâu đã phải bắt buộc”.

Áp lực tập trung ở trường đạt chuẩn

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục MN Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Việc tuyển sinh MN của TP từ nhiều năm nay đã căng thẳng vì chuyện thiếu trường, lớp chứ không phải đến khi thực hiện phổ cập trẻ 5 tuổi. Tuy vậy, sở đã chỉ đạo các trường không được phép vì trẻ 5 tuổi mà từ chối nhận trẻ nhỏ hơn”. Bà Võ Ngọc Thu - Trưởng phòng GD Q.5, cho hay: “Năm nay quận sẽ ưu tiên tuyệt đối cho trẻ trong quận và không nhận ngoài quận”. Trong khi đó, ông Đinh Thiện Căn - Trưởng phòng GD Q.1, cho rằng áp lực vào trường MN công lập không đồng đều và căng thẳng chủ yếu tập trung ở một số trường đã từng đạt chuẩn quốc gia. Vì vậy năm học tới, để đảm bảo chỗ học cho trẻ, quận sẽ thay đổi phân tuyến sao cho phù hợp. Vào thời điểm tuyển sinh, các trường đóng trên địa bàn phường nào phải đảm bảo chỗ học cho trẻ ở phường đó, bất kể mọi lứa tuổi”.

Bích Thanh

Các địa phương không được nôn nóng

Trước thực trạng một số địa phương vì mục tiêu phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi mà quên trẻ từ 4 tuổi trở xuống, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng phụ trách bậc học của Bộ GD-ĐT cho rằng: “Bộ đã chỉ đạo việc triển khai Đề án Phổ cập mầm non 5 tuổi không được nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, không vì phổ cập mà thiếu quan tâm tới trẻ dưới 5 tuổi”. Theo bà Nghĩa, nếu thực hiện Đề án phổ cập theo giải pháp ưu tiên tối đa nhận trẻ 5 tuổi vào trường MN công lập, trường nào còn chỉ tiêu mới tuyển sinh trẻ 4 tuổi trở xuống là không đúng với tinh thần của Đề án và hướng dẫn của Bộ. Các địa phương cần xây dựng thêm trường, lớp, đáp ứng chăm sóc, giáo dục trẻ các độ tuổi.

Tuệ Nguyễn

Tuệ Nguyễn - Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.