Tái cơ cấu DNNN hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường

21/05/2012 16:39 GMT+7

(TNO) Chiều nay 21.5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để xem xét dự thảo Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

(TNO) Chiều nay (21.5), Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường để xem xét dự thảo Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày Tờ trình về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo đó, trong kế hoạch trước mắt 5 năm tới sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo hướng xác định rõ vai trò, chức năng của từng loại DNNN.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Tờ trình về Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế - Ảnh: Ngọc Thắng

Trong lộ trình này, các DNNN sẽ được sắp xếp, phân loại, cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính. Nhà nước sẽ cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu các DNNN không cần nắm giữ 100% sở hữu và thoái vốn ở các DNNN không cần nắm giữ cổ phần đa số.

Ngoài ra, các DNNN buộc phải hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Thẩm định tờ trình của Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, đã báo cáo ý kiến của các đại biểu xung quanh đề án.

Đa số các ý kiến nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị ưu tiên của đề án là xây dựng cơ chế quản lý minh bạch của DNNN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng.

Theo đó, các DNNN phải sử dụng vốn và tài sản có hiệu quả, giảm dần và loại trừ các chi phí ngoài kinh doanh, công bố minh bạch thông tin định kỳ rộng rãi trước công chúng.

Đồng thời, hầu hết các thành viên Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị không sử dụng DNNN là một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn nền kinh tế nữa.

“DNNN có nhiệm vụ quan trọng là đi trước, mở đường ở những ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp thuộc thành phần khác không đủ năng lực, những ngành đòi hỏi về vốn và công nghệ, tạo nền tảng cơ bản cho những ngành sản xuất công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao”, ông Giàu báo cáo.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị tách bạch nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an sinh xã hội khác (không vì mục tiêu lợi nhuận) đối với các DNNN.

Trong phiên họp, QH cũng xác định chậm nhất là đến cuối năm 2018, VN phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đặt ra mục tiêu từ năm 2011 - 2012 định hướng đến năm 2030 với hai nội dung: tái cơ cấu ưu tiên trước mắt và tái cơ cấu trọng tâm lâu dài.

Tái cơ cấu ưu tiên trước mắt trong 5 năm tới đặt trọng tâm vào tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng và tái cơ cấu DNNN.

Chiến lược lâu dài đến năm 2020 là: cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng, thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Trong phiên họp chiều 21.5, QH đã nghe báo cáo về các tờ trình: Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; Đề nghị QH phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010; Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH; Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2013.

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

- Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

- Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010.

- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010.

- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.

- Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.

- Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

Nguyên Mi - Hoàng Quyên

>> Sẽ thông qua 13 dự án luật và Đề án tái cơ cấu nền kinh tế
>> Thủ tướng báo cáo Đề án tái cấu trúc kinh tế
>> Kỳ họp thứ 3 Quốc hội: Sẽ đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo nhà nước, chính phủ
>> Kỳ họp thứ 3 Quốc hội: Sẽ đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo nhà nước, chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.