Cải cách khu vực kinh tế nhà nước để giảm rủi ro

24/05/2012 03:00 GMT+7

Hôm 23.5, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương. Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, tỷ lệ lạm phát vẫn cao (10,5%) và đây không phải là thời điểm Việt Nam rời bỏ chính sách ổn định nền kinh tế. Đại diện WB cũng khuyến cáo không nên coi tăng trưởng và ổn định như những vòi nước được tắt bật tùy hứng. 

Theo báo cáo của WB, nợ công của Việt Nam có khả năng duy trì tính bền vững nếu đà phục hồi kinh tế vẫn tiếp tục và các cơ quan chức năng vẫn theo đuổi con đường củng cố tài chính như hiện tại. Báo cáo của WB cho biết qua phân tích bền vững nợ tại các quốc gia thu nhập thấp, VN vẫn  thuộc nhóm nguy cơ thấp trước tình hình nợ nước ngoài. Theo WB, sự không chắc chắn lớn nhất đối với bền vững nợ xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, những khoản nợ của các DN này không được liệt kê trong các con số thống kê của nợ Chính phủ hay nợ được Chính phủ bảo lãnh. Không có một ước tính đáng tin cậy nào về những khoản nợ này. Chính điều đó làm hạn chế khả năng của Chính phủ trong quản lý các rủi ro liên quan.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A, nhận định này của WB chưa hoàn toàn đầy đủ. Ông A phân tích, nếu so sánh với mức nợ công 100-120% GDP của một số quốc gia khác thì mức nợ công dưới 50% GDP  của VN do Bộ Tài chính công bố có vẻ an toàn.  Tuy nhiên, tốc độ tăng nợ của VN trong 3-4 năm trở lại đây rất nhanh và nếu tốc độ tăng nợ nước ngoài cứ giữ mức độ như vậy thì chỉ trong thời gian ngắn nữa VN sẽ vào giới hạn nguy hiểm. TS A cũng cho rằng những tiêu chuẩn về mức an toàn như “dưới 60% GDP” chỉ nên để tham khảo chứ không thể áp dụng cứng nhắc. “Có những nước mức nợ hơn 100% GDP, kéo dài hàng chục năm mà vẫn là bình thường. Nhưng cũng có những nước nợ 50-60% GDP là không bình thường, nếu tính đến khả năng trả nợ. Nếu phần lớn nguồn thu của Chính phủ chỉ đủ để trả nợ thì sẽ là vô cùng nguy hiểm”, ông nói.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến 31.12, nợ nước ngoài của quốc gia ước tính ở mức khoảng 1.042 nghìn tỉ đồng, bằng 41,5% GDP năm 2011, nằm trong phạm vi giới hạn an toàn. Theo Nghị quyết của Quốc hội, kiểm soát dư nợ công đến năm 2015 dưới 65% GDP, nợ Chính phủ, nợ quốc gia dưới 50% GDP.

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam,  cần có thêm những hành động liên quan đến việc cải cách khu vực kinh tế nhà nước để giảm rủi ro cho nền kinh tế. Điều cần nhắm tới là việc giải quyết những yếu kém của các DN nhà nước và đảm bảo các hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Bà Victoria Kwakwa cho rằng, vụ việc liên quan đến Vinalines là minh chứng mới nhất cho tình trạng các DN nhà nước hiện nay và cho thấy mức độ cấp thiết của việc cần phải có những cách thức đáng tin cậy hơn để giải quyết các vấn đề trong khu vực nhà nước.

"Khi vụ Vinashin bị phanh phui đã có nhiều câu hỏi đặt ra, liệu còn có một Vinashin thứ hai xuất hiện? Giờ thì câu trả lời đã rõ. "Vinashin" thứ hai đã xuất hiện". Còn bao nhiêu "Vinashin" nữa chưa được phát hiện? Đây là vấn đề mang tính hệ thống của khu vực kinh tế này”, bà Victoria Kwakwa khuyến cáo.

Ng.Phong

>> Giảm ngay độc quyền của các tập đoàn
>> Tháo gỡ vướng mắc về tiền sử dụng đất
>> Hơn 1.200 ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội
>> Thận trọng khi ban hành các loại phí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.