Phóng viên Báo Thanh Niên phỏng vấn anh Thái Đức Hạnh (ảnh), Ủy viên Thường vụ T.Ư Đoàn, Trưởng ban Thanh niên quân đội về vấn đề này.
Thưa anh, vì sao Thường vụ Quân ủy T.Ư lại chỉ đạo tạm dừng tổ chức HKQĐ?
Quyết định tạm dừng triển khai không có nghĩa là không tổ chức HKQĐ năm 2012. Thời gian qua, việc tổ chức HKQĐ đã trở thành mô hình giáo dục tổng hợp hấp dẫn thanh thiếu niên. Tuy nhiên, việc có quá nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức với những hình thức rất khác nhau khiến mục tiêu, ý nghĩa của hoạt động này ở một số địa bàn không được như mong muốn.
Vì vậy, sau khi nghe Cục Dân quân tự vệ và Ban Thanh niên quân đội báo cáo tình hình, Thường vụ Quân ủy T.Ư đã giao cho Tổng cục Chính trị là cơ quan chủ trì, Ban Thanh niên quân đội là cơ quan thường trực giúp Tổng cục Chính trị, Thường vụ Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng phối hợp với T.Ư Đoàn, các cơ quan chức năng, các tỉnh, thành Đoàn chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung chương trình HKQĐ.
Bắt đầu từ năm 2012, Tổng cục Chính trị và T.Ư Đoàn sẽ thống nhất nội dung của chương trình HKQĐ, ký văn bản liên tịch giữa hai cơ quan làm cơ sở triển khai mô hình giáo dục này trên phạm vi toàn quốc. Trong khi chờ đợi sự thống nhất nội dung, chương trình và ký văn bản liên tịch giữa Tổng cục Chính trị và T.Ư Đoàn, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tạm dừng triển khai chương trình. Chúng tôi đang rất nỗ lực nhằm bảo đảm cho thông tư liên tịch được ban hành nhanh nhất, và chắc chắn điều này chỉ bảo đảm cho việc tổ chức HKQĐ được tốt hơn.
|
Như vậy nghĩa là sẽ tạm dừng để chấn chỉnh rồi tiếp tục triển khai, chứ không phải hè năm nay không tổ chức HKQĐ?
Đúng vậy. Về cơ bản, chúng tôi đã chuẩn bị xong dự thảo văn bản liên tịch để trình Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Yêu cầu của mô hình phải đạt được là: Giáo dục một số kiến thức cơ bản về quốc phòng - an ninh, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống anh hùng của quân đội nhân dân Việt Nam, giúp thanh thiếu niên làm quen với môi trường quân đội, rèn luyện tính tự chủ, bản lĩnh, nền nếp, kỷ luật, tác phong của người lính. Bồi dưỡng kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, giúp thanh thiếu niên tự tin, trách nhiệm hơn với bản thân trong cuộc sống, có tinh thần sẻ chia, quan tâm đến bạn bè, gia đình và những người xung quanh. Giúp thanh thiếu niên tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội tình nguyện, mở rộng quan hệ giao lưu, học hỏi và đoàn kết với nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Các hoạt động của HKQĐ phải được phối hợp tổ chức chặt chẽ, khoa học, an toàn, hiệu quả, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi thanh thiếu niên.
|
Một số doanh nghiệp tham gia tổ chức HKQĐ đang rất băn khoăn về vai trò của họ, liệu họ có được tiếp tục tham gia nữa hay không?
Văn bản liên tịch tới đây sẽ hướng dẫn rõ vai trò các tổ chức tham gia. Chẳng hạn: Đơn vị chủ trì là các cấp bộ Đoàn, các đơn vị thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ tổ chức chương trình HKQĐ có đủ điều kiện, khả năng phối hợp với các đơn vị quân đội và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Đơn vị phối hợp là các đơn vị quân đội trong toàn quân có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nơi ăn, nghỉ, thao trường bãi tập, dụng cụ huấn luyện đảm bảo các nội dung huấn luyện được nêu trong chương trình khung; các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, các doanh nghiệp quan tâm phối hợp tài trợ cho chương trình. Ngoài các đơn vị nêu trên, các doanh nghiệp muốn tổ chức HKQĐ phải phối hợp với tổ chức Đoàn thanh niên.
Thời gian qua, một trong những vấn đề gây băn khoăn nhiều nhất là cách thu phí của các chương trình HKQĐ không thống nhất, nhiều nơi thu phí quá cao. Chúng ta sẽ khắc phục vấn đề này thế nào, thưa anh?
Văn bản liên tịch tới đây cũng sẽ hướng dẫn kỹ vấn đề này. Tinh thần là: Kinh phí thực hiện do đơn vị chủ trì tổ chức bảo đảm, nguồn kinh phí gồm đóng góp của gia đình học viên, xã hội hóa (từ tài trợ của các tổ chức, cá nhân...), hỗ trợ của Hội đồng quốc phòng - an ninh các cấp, nguồn lực của các đơn vị tổ chức.
Kinh phí, vật chất phải đảm bảo thực hiện đúng quy định, an toàn, tiết kiệm, thống nhất. Không sử dụng ngân sách quốc phòng chi cho các hoạt động của HKQĐ; cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên là cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị bộ đội chủ yếu hoạt động theo chế độ tình nguyện (không trả và nhận tiền thù lao). Không được sử dụng các loại vũ khí (trừ súng trường CKC và tiểu liên AK), trang bị kỹ thuật huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị cho lớp học. Không để các em học viên ngủ giường tầng; không tổ chức luyện tập ngoài trời khi thời tiết quá nắng nóng, mưa; không tập bơi trong các đơn vị quân đội, không tổ chức các hoạt động khi không đảm bảo các điều kiện an toàn.
Các đơn vị quân đội đăng cai chỉ được thu các khoản tiền vật chất tiêu hao như: điện, nước, chi phí sinh hoạt. Như tôi đã khẳng định, văn bản liên tịch tới đây sẽ nhằm bảo đảm cho việc tổ chức HKQĐ tốt nhất trong điều kiện hiện nay.
Chương trình khung Sẽ quy định mọi chương trình phải bảo đảm khoảng 40% tổng thời gian dành cho giáo dục quốc phòng. Ví dụ, học viên sẽ được giới thiệu về thủ tục nhập ngũ, biên chế vào đơn vị quân đội; giáo dục truyền thống quân đội nhân dân Việt Nam… Thời gian còn lại dành cho giáo dục kỹ năng, các hoạt động bổ trợ. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị và đặc điểm của từng đối tượng học viên, các đơn vị có thể điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình cho phù hợp, song phải đảm bảo tối thiểu 70% các nội dung trong chương trình khung nêu trên. |
Dương Thúy Hà
(thực hiện)
>> Tạm dừng triển khai Học kỳ quân đội
>> Nhiều sân chơi ngày hè cho trẻ
>> Sẽ đăng ký bản quyền mô hình Học kỳ quân đội
>> Một ngày với "học kỳ quân đội
>> Học sinh tham gia học kỳ quân đội
Bình luận (0)