|
Trước đó, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Phần lớn các đại biểu chủ yếu tập trung thảo luận các vấn đề về tuổi nghỉ hưu, thời gian làm thêm giờ, chế độ thai sản cho phụ nữ…
Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng, trong ba phương án nghỉ thai sản thì phương án 1 (thời gian nghỉ 6 tháng) là tối ưu nhất. Với thời gian nghỉ tăng, trẻ em được chăm sóc tốt hơn và người mẹ cũng có điều kiện chăm sóc cho bản thân mình hơn.
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cho rằng phụ nữ khi mang thai rất dễ ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần, nhất là nếu trước đó làm việc trong môi trường độc hại. Do đó thời gian thai sản nên thống nhất 6 tháng là phù hợp.
“Tổ chức Y tế Thế giới khuyên trong 6 tháng đầu, trẻ nhỏ cần được bú sữa mẹ để đảm bảo sức khỏe và có đầy đủ sức đề kháng. Ngoài ra, trẻ bú sữa mẹ sẽ giúp người lao động tiết kiệm một tháng 2 triệu đồng so với uống sữa ngoài. Đây là một số tiền không nhỏ khi giá cả, chi phí ngày càng tăng”, bà Thủy phân tích.
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) bổ sung: ngoài việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản, cũng nên nghiên cứu chính sách nam giới được tạo điều kiện như nghỉ thêm ngày, hỗ trợ thêm tiền lương trong thời gian vợ sinh con. Thực tế một số nước trên thế giới cũng đã áp dụng chính sách này.
Độ tuổi nghỉ hưu cũng thu hút sự quan tâm và tranh luận của nhiều đại biểu. Phần lớn đại biểu đều thống nhất với báo cáo dự thảo về việc giữ nguyên tuổi hưu là 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu sẽ gây lãng phí chất xám, nhất là trong ngành y tế vốn đang quá tải.
Đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) không đồng tình về việc kéo dài độ tuổi hưu. “Năm 2009, đoàn đại biểu Cao Bằng tiếp xúc cử tri và nhận được nhiều ý kiến nên giảm độ tuổi hưu xuống 50 tuổi đối với phụ nữ”, ông Thoáng nói.
Tuy vậy, ông Thoáng cũng ủng hộ việc một số ngành nghề đặc thù, nghiên cứu khoa học, nhân sự, cán bộ cao cấp… nên có sự điều chỉnh theo hướng kéo dài độ tuổi hưu thêm 5 năm so với quy định hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) góp ý: tuổi hưu cần phải xét thêm thời gian đóng bảo hiểm, chứ nếu chỉ xét riêng về độ tuổi thì nhiều trường hợp dù đến tuổi cũng chưa đáp ứng điều kiện nghỉ hưu.
Quy định thời gian làm thêm giờ của người lao động cũng nhận được nhiều ý kiến tranh luận tại hội trường.
Theo dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, thời gian làm thêm giờ không quá 50% số giờ làm việc chính thức và không quá 30 giờ trong một tháng. Như vậy, theo quy định này thì số giờ làm thêm trong một năm của người lao động sẽ là 360 giờ, cao hơn so với quy định hiện hành là 160 giờ.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cho hay đa phần người lao động không muốn làm thêm, nhưng do hiện nay mức lương chưa đủ sống khiến họ phải làm. Do đó Chính phủ cần nghiên cứu để người lao động sống được với lương.
Hầu hết đại biểu đều thống nhất ý kiến người lao động làm thêm không quá 200 giờ/năm, nhưng với những trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho phép thì làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Thậm chí đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) còn kiến nghị phải nghiên cứu luật để người lao động giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 40 giờ/tuần.
Chiều nay 23.5, dự kiến Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về Luật bảo hiểm tiền gửi.
Ngoài ra, từ 16 giờ 30 phút, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương sẽ đọc Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An).
Bà Cù Thị Hậu, đại biểu tỉnh Hưng Yên đưa ra phép tính: nếu quy định thời gian làm thêm tăng lên 360 giờ/năm thì người công nhân chỉ được nghỉ 7 ngày/năm. Với thời gian nghỉ quá ngắn như vậy, người lao động sẽ không còn thời gian để chăm sóc con cái, bồi bổ kiến thức, tham quan du lịch. Do đó, quy định thời gian làm thêm tối đa 200 giờ/năm là hợp lý. |
Đình Quân
>> Kỳ họp thứ 3 Quốc hội: Sẽ đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo nhà nước, chính phủ
>> Thủ tướng báo cáo Đề án tái cấu trúc kinh tế
>> Sẽ thông qua 13 dự án luật và Đề án tái cơ cấu nền kinh tế
>> Kết quả bỏ phiếu lần đầu không đạt nên xem xét miễn nhiệm
>> Sẽ xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu vào đầu kỳ họp Quốc hội
Bình luận (0)