Băn khoăn kinh doanh vàng miếng

26/05/2012 03:28 GMT+7

Người dân và doanh nghiệp vẫn còn bối rối khi quy định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực.

Băn khoăn kinh doanh vàng miếng
Các tiệm vàng vẫn trưng bày bán vàng miếng trong ngày 25.5 - Ảnh: D.Đ.Minh

 

Chiều 25.5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, tâm lý bối rối của người dân và doanh nghiệp (DN) vẫn không được giải tỏa.

Theo hướng dẫn, thời hạn chuyển tiếp đối với hoạt động mua, bán vàng miếng là 6 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực, (từ 10.7.2012).  Như vậy, hoạt động mua bán, kinh doanh các loại vàng miếng không phải là SJC đến ngày 10.2.2013 mới chấm dứt. Trong 6 tháng trên, các DN và tổ chức tín dụng (TCTD) hoàn tất thủ tục để đề nghị cấp giấy phép mới. Sau thời hạn chuyển tiếp, các tổ chức, cá nhân chỉ được phép mua, bán vàng miếng với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được NHNN cấp phép.

Các hoạt động sản xuất vàng miếng của các đơn vị đã được NHNN cấp phép trước đây phải chấm dứt. Các loại vàng miếng bao gồm SJC và các nhãn hiệu khác đã được cấp phép sản xuất trước đây thuộc quyền sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ, được mua - bán bình thường trên thị trường, nhưng sau thời hạn chuyển tiếp sẽ chỉ được mua - bán thông qua các đầu mối được cấp phép. Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua - bán vàng trang sức, mỹ nghệ, thời hạn chuyển tiếp là 12 tháng; trong thời hạn này các DN phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại, xin giấy chứng nhận đủ điều kiện tại NHNN.

Bị ép giá

Ngày 25.5 là ngày đầu tiên NHNN trở thành đơn vị kinh doanh, được trực tiếp can thiệp vào thị trường để điều phối giá vàng. Nghị định 24 nêu rõ NHNN thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp như xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu; tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng; thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong và ngoài nước. Thế nhưng những bất cập trên thị trường vàng vẫn không có gì khác so với trước đó.

Giá vàng trong nước ngày 25.5 vẫn không có biến động gì nhiều, vẫn cao hơn so với giá thế giới trên 2,2 triệu đồng/lượng. Người dân có nhu cầu mua vàng vẫn phải mua đắt hơn giá thế giới. Giá vàng miếng SJC vẫn ở mức 41,28  41,48 triệu đồng/lượng (mua  bán), tăng 160.000 đồng/lượng so với giá ngày 24.5. Chỉ có khác là các thương hiệu vàng miếng không phải SJC bị các chủ tiệm vàng ép giá. Tại một tiệm vàng trên đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM, chúng tôi hỏi bán 1 lượng vàng (không phải thương hiệu SJC), sau khi nhân viên tiệm xem tới lui miếng vàng và ra giá 40 triệu đồng/lượng (thấp hơn giá vàng miếng SJC 1,3 triệu đồng/lượng, đây là giá tương đương với giá vàng nguyên liệu dùng trong sản xuất). Nhân viên tiệm vàng giải thích giá thấp hơn là do mua miếng vàng này về chỉ để làm nguyên liệu chứ không bán lại cho ai được. Người mua thì hỏi mua vàng miếng SJC chứ không mua các thương hiệu khác.

Trao đổi vấn đề này, đại diện Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC cũng cho biết: “Hiện nay SJC không được sản xuất vàng miếng nên không thể mua lại hoặc nhận dập lại các thương hiệu vàng  miếng khác trên thị trường”. Bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - nói: “Người tiêu dùng hiện đang nắm giữ vàng miếng của PNJ có nhu cầu bán lại liên hệ với các điểm giao dịch của công ty. Giá mua vàng miếng PNJ hiện nay tương đương với giá mua vàng miếng SJC”.

Vẫn lo ngại

 

Xét trên điều kiện quy định tại Nghị định 24, sẽ rất ít tiệm vàng tại TP.HCM có thể nhận được giấy phép mua bán vàng miếng 

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM

Theo Nghị định 24, hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các TCTD và DN được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, thế nhưng trong ngày đầu có hiệu lực, chưa có đơn vị nào được cấp giấy phép mua bán vàng miếng để người dân có thể giao dịch. Sau khi thông tư hướng dẫn được ban hành, các tiệm vàng vẫn giao dịch mua bán vàng miếng như mọi ngày.

Bình luận về những tiêu chí kinh doanh vàng miếng được quy định khá chặt, ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM - cho rằng: “Xét trên điều kiện quy định tại Nghị định 24, sẽ rất ít tiệm vàng tại TP.HCM có thể nhận được giấy phép được mua bán vàng miếng”. TP.HCM hiện có khoảng 7.000 đơn vị sản xuất, gia công, kinh doanh vàng, trong đó có khoảng 2.000 tiệm vàng. Đa số các tiệm vàng có vốn dưới 10 tỉ đồng và đóng thuế khoán vài triệu đồng/tháng. Trong khi Nghị định 24 quy định để có được giấy phép kinh doanh vàng miếng, DN phải có vốn điều lệ 100 tỉ đồng, số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất, có mạng lưới chi nhánh, điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh thành trở lên. Theo ông Dưng, các ngân hàng sẽ dễ đạt được những tiêu chí mà nghị định đề ra nên sẽ dễ dàng có giấy phép mua bán vàng miếng hơn là DN.

Nghị định 24 và thông tư hướng dẫn có quy định thời gian chuyển tiếp trong vòng 7 tháng đối với mua bán vàng miếng và 12 tháng đối với vàng mỹ nghệ, trang sức kể từ ngày 10.7.2012. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn không biết sau ngày này NHNN xử lý như thế nào. “Suốt thời gian qua chúng tôi luôn lo lắng khi giữ vàng không phải của SJC. Nay lại lo lắng hơn khi NHNN lại ra thông tư kéo dài thời gian thêm 7 tháng, mà chưa rõ chuyển đổi như thế nào”, anh Nguyễn Thành Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Thanh Xuân - Anh Vũ

>> NHNN ra Thông tư hướng dẫn về quản lý hoạt động kinh doanh vàng
>> Bối rối với vàng
>> Tiệm vàng sẽ đóng cửa hàng loạt
>> Đằng sau nỗi lo độc quyền vàng miếng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.