Những sắc màu nước Pháp

27/05/2012 03:00 GMT+7

Bầu cử tổng thống Pháp là dịp lý tưởng để phác họa bức tranh xã hội vốn nổi tiếng mang nhiều màu sắc của xứ hình lục giác.

Trong giai đoạn vận động tranh cử vừa qua, hầu hết những cử tri không ủng hộ tổng thống vừa thất cử Nicolas Sarkozy khi trao đổi với PV Thanh Niên đều có nhiều ý kiến khác nhau về 5 năm cầm quyền của ông. Nhưng cứ 10 người sẽ có đến 9 cùng khẳng định: “Ông ấy đã gây chia rẽ người Pháp, quên đi tinh thần liên đới là nền tảng của nền cộng hòa”.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Sarkozy thường đặt nặng vấn đề “bản sắc dân tộc” hoặc liên tục chỉ trích các thói quen, tập tục của người Hồi giáo, người gốc Phi... Ở đất nước có quá trình đón nhận người nhập cư từ rất lâu đời như Pháp, những phát biểu kiểu này rất dễ gây bất bình. Cứ nhìn vào lứa cầu thủ “thế hệ hoàng kim” từng đăng quang tại World Cup 1998 thì biết. Chỉ lác đác vài cầu thủ là Pháp “chính gốc”, còn lại hầu hết đều mang dòng máu châu Phi trong người.

Chuyến xe 2 giờ sáng

Trở lại Paris lần này, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là chuyến xe buýt vào đêm công bố kết quả bầu cử. Tối 6.5, không khí lễ hội của đêm hòa nhạc mừng chiến thắng do đảng Xã hội tổ chức tại quảng trường Bastille đã tưng bừng cho đến gần 2 giờ sáng ngày hôm sau, khi tân Tổng thống François Hollande kết thúc bài phát biểu nhiều cảm xúc của mình.

Các bạn trẻ luôn là lực lượng ủng hộ các ứng viên nhiệt tình nhất
Các bạn trẻ luôn là lực lượng ủng hộ các ứng viên nhiệt tình nhất 

Tại quảng trường Bastille có rất đông người nhập cư đến chia vui với tân Tổng thống François Hollande
Tại quảng trường Bastille có rất đông người nhập cư đến chia vui với tân Tổng thống François Hollande 

Nhỏ nhắn nhưng các bạn gái này vẫn chen chân lên được hàng đầu trong đêm hòa nhạc ở Bastille  Ảnh: Lan Chi 
Nhỏ nhắn nhưng các bạn gái này vẫn chen chân lên được hàng đầu trong đêm hòa nhạc ở Bastille  Ảnh: Lan Chi

Xong việc, sau một hồi hỏi han, tôi tìm được tuyến buýt đêm đi về ngang nhà. Đây là phương tiện công cộng duy nhất khi hầu hết các tuyến xe điện ngầm đều đã “đi ngủ” từ lâu. Xe chật không còn một chỗ... nhón với hàng chục ngàn người đổ ra từ Bastille. Tiết trời về khuya rất lạnh mà mọi cửa sổ trên xe đều được mở tối đa. Khi đã “định thần”, tôi mới chợt giật mình: xung quanh chỉ có 1 người da trắng, còn lại đều là người gốc Phi. Cứ như xe đang đi ở Bờ Biển Ngà hay Congo chứ không phải giữa thủ đô nước Pháp. Thật ra, đây là chuyến xe đi về khu ngoại ô phía đông Paris, nơi tập trung rất đông dân nhập cư nên thành phần hành khách như thế cũng hợp lý.

Ở những trạm đầu tiên của hành trình, xe càng lúc càng đông vì người xuống thì ít mà người muốn lên thì nhiều. Đôi ba lần, bác tài đã phải hì hụi thử đi thử lại mãi mới đóng được cửa xe. Có anh ráng chen vào nhưng bị “dội” ngược ra, té ạch về phía sau. Lồm cồm ngồi dậy, tưởng sẽ nghe vài lời cằn nhằn đôi co nhưng chỉ thấy anh cười xòa, vẫy vẫy tay lùi lại đợi chuyến kế. Chật chội, bức bối, lại mệt rã rời sau 5 giờ hò reo, nhảy múa ở Bastille, toàn điều kiện dễ để tinh thần “xẹt lửa”. Vậy mà trên xe chỉ có tiếng trò chuyện vui vẻ, ồn ào nhất là một nhóm thanh niên, ngà ngà say, cứ hát nghêu ngao tếu táo và tiếng mọi người thỉnh thoảng cười ồ hưởng ứng. Trên chuyến xe ấy chỉ có tinh thần liên đới, niềm vui chiến thắng và hy vọng.

Những lá cờ biết nói

Tinh thần liên đới của một nước Pháp đa văn hóa thể hiện rất rõ ngay trong đêm 6.5 ở Bastille. Cùng với cờ Pháp, cờ và hoa hồng biểu tượng của đảng Xã hội là cơ man cờ của các nước khác: Algeria, Ma Rốc, Tunisia... Người da đen, người Ả Rập đứng kế người da trắng, da vàng, vẻ mặt rạng rỡ, hò reo nhiệt tình. Không có mặt “suông”, những người gốc nhập cư đã mang cả quê hương, nguồn cội của mình đến chung vui với ông Hollande qua cờ phướn, y phục và thỉnh thoảng vài điệu múa lạ mắt. Trong khi đó, ở các buổi mít tinh của ông Sarkozy chỉ duy nhất một rừng cờ trùng điệp 3 màu xanh - trắng - đỏ của quốc kỳ Pháp, cũng khí thế chẳng kém nhưng không... vui mắt bằng.

Tình hình kinh tế khó khăn khiến một số người nhìn dân nhập cư một cách hơi tiêu cực: liên quan đến nhiều vụ phạm pháp, tỷ lệ thất nghiệp cao... Tuy nhiên, những người này quên rằng Pháp có một giai đoạn quan trọng gắn liền với người nhập cư, đặc biệt từ khi cuộc cách mạng công nghiệp thật sự ảnh hưởng đến nước này vào thế kỷ 19. Trước đây, dân nhập cư đến Pháp theo sự tuyển mộ của chính phủ, để đáp ứng nhu cầu về nhân công trong các ngành công nghiệp, để phục vụ trong quân đội hoặc bù đắp những mất mát về nhân mạng và tái thiết lại đất nước sau chiến tranh.

Nhưng từ sau thập niên 1970, thị trường nhân công tại Pháp bão hòa, thất nghiệp bắt đầu tăng, người Pháp bắt đầu cho rằng dân nhập cư với đồng lương phá giá làm ảnh hưởng đến khả năng kiếm việc làm của họ. Phân biệt chủng tộc từ đó nảy nở, những thanh niên da màu tại các khu ngoại ô với tâm lý bị dồn nén lâu ngày, chỉ đợi có cơ hội là bùng phát ngay, như trong một số vụ bạo động vào năm 2005, 2006. Ông Hollande nhận được tỷ lệ ủng hộ rất cao ở những cử tri gốc nhập cư. Họ đang rất kỳ vọng thông điệp “kết nối” cùng lời hứa quan tâm đến bình đẳng xã hội của tổng thống mới.

Ưu thế sức trẻ

Bức tranh xã hội nhiều màu sắc của nước Pháp tại kỳ bầu cử tổng thống không chỉ thể hiện ở màu da mà còn ở... độ tuổi. Rất dễ bắt gặp hình ảnh cha ẵm con, bà dắt cháu, anh em khoác vai nhau đến dự một buổi mít tinh. Nhưng ấn tượng hơn cả chính là sự nhiệt tình của giới trẻ. Dù ủng hộ ông Hollande hay ông Sarkozy, họ đều đến với ứng viên của mình bằng tất cả trái tim. Tỷ lệ cử tri tuổi đôi mươi ủng hộ ông Hollande vẫn cao hơn, đặc biệt vì suốt chiến dịch tranh cử, ông đã xem việc đầu tư cho “tương lai của đất nước” là một trong những mục tiêu trọng tâm của mình một khi giành chiến thắng.

Như nhiều nước châu u khác, giới trẻ của Pháp cũng rơi vào hoàn cảnh bấp bênh khi không kiếm được việc làm hoặc chỉ tìm được những công việc không ổn định. Với thực tế này, hơn bao giờ hết, họ rất quan tâm đến chính trị và mong muốn quyết định tương lai thông qua lá phiếu cũng như tham gia tích cực vào việc quảng bá hình ảnh cho ứng viên của mình. Tại các buổi mít tinh, phất cờ hăng hái nhất, hô hào cuồng nhiệt nhất, ráng “nhích” gần vị trí phát biểu của ứng viên nhất toàn các gương mặt trẻ măng. Ở quảng trường Bastille nơi hàng chục ngàn người chen chân nhau, PV Thanh Niên đã không khỏi ngỡ ngàng khi thấy đứng ngay hàng đầu là những bạn gái trẻ, miệng cười tươi rói giơ cao bông hồng biểu tượng của đảng Xã hội. Chẳng hiểu các nữ nhi chân yếu tay mềm, lại nhỏ con này dùng “chiến thuật” gì để lọt qua cả rừng người để chen đến vị trí “đẹp” như thế...

Không chỉ có mặt ở “tiền tuyến”, các bạn trẻ Pháp cũng luôn biết gạt đi nước mắt để hướng về tương lai khi ứng viên của mình thất bại. Tương tự năm 2007 ở đảng Xã hội, năm nay chính những cử tri trẻ tuổi đã giúp không khí ở đảng UMP bớt trầm mặc hơn sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ông Sarkozy thất cử. Frank, sinh viên y khoa của Trường Paris 5 chia sẻ với Thanh Niên: “Tổng thống Sarkozy đã nỗ lực hết mình và làm được nhiều điều cho đất nước trong nhiệm kỳ của mình. Tôi có mặt ở đây để cho thấy giới trẻ vẫn ủng hộ ông. Cuộc chơi vẫn chưa kết thúc, UMP vẫn có thể thay đổi tình thế nếu chiến đấu và chiến thắng trong kỳ bầu cử Hạ viện vào giữa tháng 6”.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Việt Nam là đối tác quan trọng của Pháp
>> Tổng thống Pháp bất ngờ đến Afghanistan
>> Bộ mặt mới của nước Pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.